NỘI DUNG: DŨNG PHAN / ĐỒ HỌA: Z.K

Ngày 10 tháng 7 năm 2020, một đoạn thông báo xuất hiện trên trang chủ Hà Nội FC có nội dung: “Dù có nhiều thiện chí và nỗ lực, Hà Nội FC và Heerenveen cuối cùng không đạt được thỏa thuận về việc gia hạn thời gian cho Đoàn Văn Hậu thi đấu tại Hà Lan. Hà Nội FC quyết định đưa Văn Hậu về nước và sẽ tạo điều kiện cho cầu thủ này thi đấu tại giai đoạn 2 V-League 2020". Bản tin ngắn gọn trên là điểm kết thúc của một trong những thương vụ xuất ngoại được kỳ vọng nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhưng đấy không phải là gia vị đắng đầu tiên mà chúng ta phải nếm trải trong 20 năm theo đuổi giấc mơ xuất ngoại.

Năm 2001, bóng đá Việt Nam chập chững bước vào mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên. Lứa cầu thủ được gọi là thế hệ vàng trong lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà vẫn đang thi đấu, họ là những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Triệu Quang Hà, Việt Hoàng, Văn Sĩ Hùng… Các đội bóng Việt Nam với những cái tên đầy thân thương gắn với một thời ban ngành, bao cấp vẫn còn ở lại như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, Sông Lam Nghệ An, Công An Hà Nội. Dưới giải hạng nhất, Gạch Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang bắt đầu nổi lên, báo hiệu một cuộc chuyển giao mới - cũ. Trong không khí của những ngày đổi thay được tính bằng giờ ấy, làng bóng đá nước nhà bỗng xôn xao về thông tin một cầu thủ Việt Nam lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu. Người đó không ai khác chính là Lê Huỳnh Đức.

Huỳnh Đức là người lĩnh ấn tiên phong trong công cuộc mở mang bờ cõi cho bóng đá Việt Nam. Nhưng thương vụ chuyển nhượng của tiền đạo số 1 Việt Nam khi ấy cũng giống như các cuộc chuyển nhượng mang kiểu giao thời khác, vừa mang tính nhiệm vụ với nước bạn, vừa đổi lại những cơ sở vật chất cần thiết cho đội chủ quản. Cụ thể, để có được sự phục vụ của Huỳnh Đức, CLB Chongquin Lifan (Trùng Khánh Lifan) phải đổi cho Ngân Hàng Đông Á 3 cầu thủ, đồng thời viện trợ thêm 60 xe đặc chủng cho Công an TP.HCM. Ở phía ngược lại, thương hiệu Lifan và hình ảnh những chiếc xe cup màu đỏ những năm đầu thế kỷ 21 bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam, trở thành ký ức khó quên với những chàng trai, cô gái 7x, 8x. 4 tháng ở Trung Quốc, chân sút CA TP.HCM ghi được 4 bàn thắng, ấn tượng về cơ bản là không đến nỗi nào. Tuy vậy, thời điểm đó chuyển nhượng trong nước còn rất lùm xùm. Người làm bóng đá không ai không biết đến các thương vụ nổi tiếng như Minh Phương từ Cảng Sài Gòn qua Đồng Tâm Long An với bao kiện tụng, hay Phạm Minh Đức từ Công An Hà Nội sang Hoàng Anh Gia Lai với giá bằng một bó rau muống. Do đó, thật khó để vọng xuất ngoại cho một điều gì lớn lao ngoài nhiệm vụ thương mại như của Huỳnh Đức.

Tuy nhiên, Huỳnh Đức hóa ra còn may mắn hơn trường hợp xuất ngoại sau anh. Ít ra Huỳnh Đức còn đem đến những quyền lợi cho đội bóng chủ quản hay thương mại nước nhà, trong khi Lương Trung Tuấn xuất ngoại đơn giản là để trốn chạy khỏi bê bối. Cuối năm 2003, trung vệ Lương Trung Tuấn dính đến nghi án bán độ khi thi đấu cho HAGL tại Cup C1 Đông Nam Á. Nghi án này khiến anh bị VFF treo giò 3 năm, mất chỗ đứng tại HAGL. Vì thế để có một nơi thi đấu hòng duy trì phong độ, Trung Tuấn đã sang thi đấu cho đội Cảng Thái Lan vào đầu năm 2005. Ngày đó, mức lương của anh được đồn rơi vào khoảng 400 USD/tháng. “Sao quả tạ” về nghi án bê bối cũng chiếu xuống tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, khiến anh phải nhận quyết định cấm thi đấu các giải trong nước suốt 3 năm. Trong thời gian này, Việt Thắng cũng sang CLB Porto B học tập.

Một cầu thủ tên Thắng khác cũng có dịp hưởng không khí bóng đá nước ngoài là tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng của Becamex Bình Dương. Năm 2008, anh sang thử việc tại CLB LA Galaxy ở Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS), kết quả có lẽ chúng ta đã phần nào đoán được. Bóng đá Việt Nam thuở bình minh xuất ngoại thật cười ra nước mắt, người làm nhiệm vụ thương mại, người trốn chạy vì bê bối, người tìm chỗ thi đấu để duy trì phong độ, người chào hàng thất bại ở nước Mỹ xa xôi. Nhưng nói gì thì nói, họ xứng đáng được ghi nhận, như là những người đã bước những bước chân đầu tiên cho giấc mơ bóng đá Việt.

Trong lần xuất ngoại thứ năm của một cầu thủ Việt Nam, tính chuyên môn bắt đầu hiện hữu. Đấy là hành trình không biết mỏi mệt của Lê Công Vinh từ đất Bồ Đào Nha sang đất Nhật Bản. Sau khi giành chức vô địch AFF Cup 2008, Công Vinh giành được tất cả những danh hiệu cao quý nhất ở trong nước. Với vị thế của cầu thủ số 1 Việt Nam, anh bắt đầu suy nghĩ đến việc hướng ra chân trời hải ngoại. Thông qua sự giúp đỡ của HLV Calisto, tiền đạo xứ Nghệ đã có cơ hội khoác áo CLB Leixoes của Bồ Đào Nha từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2009, trở thành người Việt Nam đầu tiên sải những bước chân trên giải VĐQG và Cúp quốc gia Bồ Đào Nha.

Không ghi được bàn thắng nào, cũng không để lại nhiều ấn tượng về chuyên môn, nhưng Công Vinh và HLV Calisto cũng xứng đáng được tôn vinh vì họ đã dám mơ, và dám xông pha vào trong những chân trời mà trước đó chưa người Việt Nam nào mơ đến. Tháng 7/2013, thêm một lần nữa Công Vinh xuất ngoại, lần này anh sang Nhật Bản khoác áo CLB Consodale Sapporo theo hợp đồng cho mượn có thời hạn 5 tháng, nhận mức lương 7.000 USD/tháng. Công Vinh thi đấu 9 trận cho CLB Nhật Bản, ghi 2 bàn thắng. Không thể gọi là thành công, nhưng cũng không thể đánh giá là hoàn toàn mờ nhạt. Công Vinh luôn là tấm gương về sự nỗ lực và vượt qua chính mình của một chàng trai xứ Nghệ.

Nhưng cũng phải mấy năm sau đó, người hâm mộ Việt Nam mới thực sự bắt đầu dám kỳ vọng về một ngày bóng đá Việt Nam ồ ạt xuất khẩu cầu thủ. Đó là khi những ngôi sao của lứa học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG – khóa I trình làng và tỏa sáng rực rỡ. Đây là một lứa cầu thủ đặc biệt, đặc biệt từ cái xuất thân xuất thế, đào tạo bài bản đầy chuyên nghiệp, đặc biệt về sự liên kết đào tạo với CLB Arsenal để đảm bảo cho một suất đầu ra ở xứ người, và đặc biệt khi những cậu bé ấy chính là tâm huyết của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Bầu Đức đã gửi gắm tất cả hy vọng chấn hưng nền bóng đá nước nhà vào lứa cầu thủ này. Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường và Đông Triều cũng đã được “tuyển chọn” để sang Arsenal thể hiện bản thân, trong đó riêng Tuấn Anh được chính HLV Arsene Wenger để ý và giới thiệu cho một CLB của Hy Lạp. Tuy nhiên, chàng trai tài hoa này đã bị chấn thương cản bước.

Không thể có được chỗ đứng cho một vị trí tại Arsenal như ước mơ trong truyện tranh, nhưng 4 chàng trai đó cũng làm nên một cơn sốt “U19 Việt Nam” vào các năm 2013-2014, kéo người hâm mộ bóng đá ở dải đất chữ S quay lại sân bóng sau nhiều năm thờ ơ vì mất niềm tin. Bầu Đức cũng dùng đủ mọi mối quan hệ để lần lượt đưa Tuấn Anh, Công Phượng (qua Nhật Bản), Xuân Trường (qua Hàn Quốc) ra nước ngoài như những mộng ước ban đầu về hành trình xuất ngoại của những cầu thủ mà ông coi như con đẻ.

Trong đó, riêng Công Phượng gánh nhiều trọng tránh hơn cả. Phượng luôn đứng “đầu sóng ngọn gió”, và cũng phải bôn ba nhiều nhất. Sau này khi nhìn lại hành trình mà Công Phượng đã đi qua, ta mới thấy anh đáng thương và đáng trọng thế nào. Công Phượng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong lịch sử thi đấu ở 3 CLB chuyên nghiệp thuộc 3 quốc gia ngoài Việt Nam. Từ Mito HollyHock ở Nhật Bản đến Incheon United của Hàn Quốc rồi lại Sint-Truiden của Bỉ. Hành trình của Phượng như hành trình của một kẻ đơn độc chiến đấu cho một giấc mơ lớn của bóng đá Việt Nam, dù cái nhận lại đôi khi chỉ là nỗi cô đơn và cả những tiếng mỉa mai khó nghe.

Những đứa trẻ của Bầu Đức đúng là những chiến binh được trui rèn. Lương Xuân Trường cũng không kém Công Phượng khi khoác áo 3 CLB nước ngoài là Incheon United, Gangwon FC của Hàn Quốc, trước khi tạo nên hành trình đặc biệt ở Buriram United tại Thái Lan vào năm 2019 - nơi anh khiến cộng đồng mạng của hai nước Thái Lan, Việt Nam được một phen nổi sóng. Xuân Trường được nhớ tới bởi một pha sút phạt đẳng cấp vào lưới Nakhon Ratchasima ở vòng 9 Thai League 1, bàn thắng được bình chọn là đẹp nhất tháng 5 của Thai League 1.

Sức hút của Công Phượng, Xuân Trường chỉ bị lu mờ bởi thương vụ đình đám đưa Đoàn Văn Hậu sang châu Âu chơi bóng cho SC Heerenveen. Vốn đã là một cầu thủ nổi tiếng và được hâm mộ nồng nhiệt trong nước sau Thường Châu 2018, sự kiện Đoàn Văn Hậu đến khoác áo CLB từng là nơi chắp cánh của những Ruud Van Nistelrooy hay Klass-Jan Huntelaar thật sự gây phấn khích. SC Heerenveen cũng không phải là đội bóng bậc thấp, mà là một gương mặt quen thuộc tại giải đấu cao nhất Hà Lan cũng như các Cúp châu Âu. Vấn đề chuyên môn cũng rất đáng chờ đợi vì ở vị trí hậu vệ trái, Văn Hậu không phải chịu áp lực lớn như Xuân Trường, Công Phượng ở vị trí tiền đạo, tiền vệ. Ở thời điểm tuyển mộ Văn Hậu, đội chủ sân Abe Lestra cũng chỉ có duy nhất một sự lựa chọn ở vị trí hậu vệ trái là Lucas Woudenberg. Các mức đãi ngộ đáng mơ ước như càng củng cố thêm cho niềm tin của các CĐV Việt Nam rằng Văn Hậu đến Heerenveen hoàn toàn vì lý do chuyên môn.

Tuy nhiên kỳ vọng lớn thì thất vọng nhiều, Heerenveen giống như một cô gái xinh đẹp thích thả thính, ban phát cho một cái cười tình, một cái nắm tay, một lời khen vô thưởng vô phạt.... Còn cổ động viên Việt Nam chờ đợi Văn Hậu lại như những gã si tình tội nghiệp. Ngày qua ngày, tuần qua tuần, Văn Hậu vẫn mỏi mòn trên ghế dự bị, người Việt Nam cuối cùng cũng phải chấp nhận thực tế phũ phàng rằng sự hiện diện của Văn Hậu và sự nồng nhiệt của chúng ta hóa ra chỉ là những thứ trang sức ngoài da với CLB Hà Lan. Thứ mà Heerenveen cho Văn Hậu chỉ là một trải nghiệm thực tế trong môi trường bóng đá Châu Âu, nơi anh có thể ngày ngày học hỏi về tính chuyên nghiệp cũng như các chế độ tập luyện. Trên tất cả, đó là một bài học về kỳ vọng và hy vọng.

Nhưng chẳng lẽ tất cả chỉ là các điểm tối? Không, chúng ta có một điểm sáng. Vượt qua Huỳnh Đức, Công Vinh, đứng cao hơn Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu,… chàng trai chúng ta đang nói tới đã được hai CLB của hai giải vô địch chuyên nghiệp nước ngoài chiêu mộ với những bản hợp đồng mang tính dài hạn, thậm chí còn đi đêm để giành người chứ không phải một vụ làm ăn mang tính ngắn hạn vốn thường thấy ở các cầu thủ khác. Chàng trai ấy chính là Đặng Văn Lâm!

Tháng 1 năm 2019, Muangthong United trả cho Hải Phòng 500.000 USD để ký hợp đồng với Văn Lâm. Bản hợp đồng kéo dài 3 năm. Văn Lâm đầu quân cho Muangthong United vào tháng 6/2019. Thủ môn Việt Nam là lựa chọn số 1 của đội bóng Thái Lan trong khung gỗ. Anh bắt chính 42 trận trong 2 mùa giải liên tục trước khi xảy ra cuộc chuyển nhượng đình đám qua CLB Nhật Bản Cerezo Osaka. Muangthong tức giận đã kiện Văn Lâm, Cerezo Osaka, cùng người đại diện Andrey Grushin lên FIFA. Sau khi đối chiếu các lời khai liên quan, nhận thấy Muangthong United vi phạm các điều khoản liên quan đến lương của Văn Lâm, FIFA đã cấp giấy phép chuyển nhượng tạm thời cho Văn Lâm sang CLB mới.

Lùm xùm, đương nhiên! Nhưng nổi bật lên trên tất cả vẫn là câu chuyện về năng lực. Một cầu thủ Việt Nam đã được CLB Nhật Bản quan tâm, theo sát, và đấu đá giành giật để mang về, bằng chính tài năng của mình chứ chẳng cần phải có hãng bia, hay hãng xe máy nào giúp sức. Rồi lịch sử đã được tạo ra. Ngày 7 tháng 7 năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, một cầu thủ Việt Nam khoác áo CLB Nhật Bản thi đấu ở AFC Champions League. Người đó chính là Văn Lâm. Gương mặt Việt Nam sau khi xuất ngoại được trọng vọng đến nay chỉ có một người, chính là Văn Lâm. Văn Lâm mới thật sự là đỉnh cao của bóng đá Việt Nam trong “vọng xuất ngoại”. Anh đó là tấm gương để cho các cầu thủ trẻ hôm nay noi theo và mộng cùng anh.

"Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc cho đội tuyển U23. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Lâm đẻ ra ở Nga nhưng bố của Lâm là người Việt Nam. Lâm có hộ chiếu Việt Nam, biết nói và đọc tiếng Việt. Lâm sống 5 năm ở Việt Nam".

"Về chuyên môn Lâm không yếu, từng được đào tạo ở các CLB nổi tiếng bên Nga. Lâm chịu không nổi được nữa khi thấy các bạn đang tập mà không có Lâm ở đấy".

Đấy là những dòng tâm sự mà Văn Lâm đã viết trên trang cá nhân. Chàng trai 22 tuổi từng phải viết thư xin việc trên facebook bằng thứ tiếng Việt bập bõm như thế đó. Nhưng cũng chàng trai đó đã vươn mình ra khơi để đi đến các bến bờ mà chưa có một cầu thủ Việt Nam nào từng đặt chân đến. Năng lực mới là thứ định danh một cầu thủ, là thứ cho họ một vị trí đá chính ở trên sân, chứ không phải các bản hợp đồng thương mại ngắn hạn, hay những phi vụ cho mượn kèm theo các các hợp đồng quảng bá. Cái mà chúng ta trân trọng nhất ở Văn Lâm chính là tinh thần của một con người kiên gan bền chí. Văn Lâm nắm lấy từng cơ hội nhỏ nhất ở Việt Nam. Từ CLB cho đến ĐTQG, mỗi lần được trao cơ hội anh đều giữ rịt lấy và không bao giờ buông tay. Hình ảnh Văn Lâm bật khóc tại AFF Cup 2018 được xem là nước mắt của người đàn ông lì lợm đã đi qua bao khổ ải, giờ đã được yêu quý, được khẳng định bản thân, được cống hiến cho quê nhà.

Nhưng Văn Lâm không chỉ được biết đến với nỗ lực, tinh thần không bỏ cuộc, mà anh còn được nhớ tới như là một cầu thủ biết rõ bản thân muốn gì, biết vạch ra lộ trình thăng tiến của sự nghiệp. Năm 2019 khi được Muangthong United tuyển mộ, Văn Lâm nói “Thái Lan sẽ là bước đệm để tôi có cơ hội sang Châu Âu, hoặc thấp hơn là Nhật Bản.” Hai năm sau, anh có mặt ở Cerezo Osaka. Văn Lâm còn một ưu điểm nữa, đó là ngoại ngữ tốt và khả năng thích nghi ở các môi trường khác nhau. Trong cuốn tự truyện “Son Heung-min, đường đến Châu Âu”, tuyển thủ Hàn Quốc đúc kết rằng “thích nghi” chính là điều kiện tiên quyết với bất cứ cầu thủ Châu Á nào đến Châu Âu. Ở đây, nó đòi hỏi cả sự hòa nhập tự nhiên lẫn ý chí. Bóng đá Việt Nam cũng như con người Việt Nam quen đứng trong văn hóa “lũy tre làng”. Để thoát kén và bơi ra biển lớn thì đòi hỏi một nỗ lực và ý chí rất lớn. Nhìn Văn Lâm, cầu thủ Việt Nam có thể biết được mình cần gì để “vọng xuất ngoại”.

Nhưng chuyện Văn Lâm là chuyện của cá nhân, để giấc mộng xuất ngoại được đạt thành còn đòi hỏi nền bóng đá Việt Nam chung sức, chung lòng. Theo số liệu thống kê, các cầu thủ có quốc tịch Nhật Bản đang thi đấu ở châu Âu là 63 người, dẫn đầu cả châu Á. Nếu xét đến cả các giải đấu hạng dưới ở châu Âu, có đến hơn 200 cầu thủ Nhật Bản đang góp mặt. Đội tuyển quốc gia Nhật Bản có thể trình diện hai đội hình khác nhau mà 100% trong đó đều đang thi đấu ở Châu Âu. Đấy là điều mà 20 năm trước chỉ hiện diện trên những trang truyện tranh Tsubasa. Nhưng bây giờ bằng hành trình không biết mệt mỏi trải dài suốt 30 năm của cả nền bóng đá mặt trời mọc, họ đã đưa truyện tranh vào đời thực. Câu hỏi ở đây, là họ đã làm thế nào?

Để có được như ngày hôm nay, Nhật Bản, hay Hàn Quốc, đều bắt đầu bằng việc đẩy mạnh phát triển bóng đá học đường. Bước đi tiếp theo là liên đoàn bóng đá hợp tác với các giải vô địch quốc gia Châu Âu để tạo ra các chương trình học bổng theo diện “du học bóng đá”. Ngôi sao lớn nhất Châu Á Son Heung-min qua châu Âu chính là đi theo con đường này. Người Nhật Bản cũng lập nên hàng trăm học viện đào tạo kiểu như Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khắp đất nước. Đây là những nơi dễ dàng thâu nạp kiến thức, tư duy, kỹ chiến thuật Châu Âu để qua đó có thêm “vũ khí” chinh phục hải ngoại.

Cuối cùng là sự tham gia của các công ty, nghiệp đoàn. Bóng đá giờ đây đã trở thành một nền công nghiệp khổng lồ, nơi tiền bạc quyết định cho nhiều vấn đề vận hành. Bóng dá châu Á rút ngắn được khoảng cách với bóng đá châu Âu chính là nhờ thương mại dẫn lối. Trong một nền kinh tế đang lên cùng hàng chục triệu người dân say mê bóng đá, Việt Nam hoàn toàn có đủ tư cách để “ngã giá” cho bất kỳ trường hợp cầu thủ xuất ngoại nào. Có thể thấy, bầu Đức, bầu Hiển… cũng luôn mang trong mình những niềm đau đáu về một ngày được thấy cầu thủ con cưng của mình tung hoành trời Âu. Một cánh én có thể không làm nên mùa xuân, nhưng ta tin một đàn én sẽ đem xuân về.

Vọng xuất ngoại của Việt Nam sẽ còn một chặng đường dài phía trước, nhưng không phải là một viễn cảnh mịt mờ. Hai mươi năm qua ta đã có những cầu thủ mở đường, đã xông pha vào đêm đen để mở lối, đã có những con người tượng trưng cho khát vọng bay cao, có những ông bầu mang những hoài bão to lớn. Và hãy nhớ, xuất ngoại với bóng đá Việt Nam không chỉ mang tinh thần học hỏi, nâng cao đẳng cấp, đó còn là một câu trả lời với lịch sử.

Lỗ Tấn từng nói "trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi"!

Xem thêm: Câu chuyện về làn sóng châu Á vỗ bờ ở châu Âu

 Bản quyền thuộc OnSports