Đỗ Duy Mạnh và năm hạn chưa dứt

Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị bước vào lượt đấu thứ 9, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á gặp đội tuyển Oman. Xuyên suốt 1 tuần vừa qua, thầy trò HLV Park Hang Seo đã nỗ lực tập luyện để hướng tới màn so tài này. Nhưng khác với các đợt hội quân trước đó, ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và chấn thương đã khiến đội tuyển Việt Nam liên tục rơi vào cảnh hoán đổi, bổ sung nhân sự không mong muốn.

Ngay từ trước khi công bố 28 cầu thủ lên đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo đã không thể triệu tập 2 trung vệ ưa thích là Trần Đình Trọng và Đỗ Duy Mạnh. Cả hai đều chưa hồi phục chấn thương cũng như không đạt được phong độ tốt nhất để góp mặt trên đội tuyển Việt Nam lần này. Tiếp đến, trung vệ Bùi Tiên Dũng cũng ngay lập tức phải rời điểm đóng quân của đội tuyển quốc gia chỉ một ngày lên tập trung. Lý do là bởi sau cuộc kiểm tra chấn thương, các bác sỹ nhận ra rằng anh sẽ phải mất từ 2-3 tuần để hồi phục phần sụn chêm ngoài đầu gối phải bị đụng dập.

Vậy là lần đầu tiên kể từ khi cầm quân U23 và ĐTQG Việt Nam, HLV Park Hang Seo không thể có bộ ba trung vệ ưa thích của mình bao gồm Duy Mạnh, Tiến Dũng, Đình Trọng. Dẫu vậy cần phải nói thêm rằng xuyên suốt 4 năm ấy, hai trung vệ Duy Mạnh và Đình Trọng vốn dĩ cũng đã vật lộn với những chấn thương khác nhau. Đó cũng là lý do họ không còn giữ được vị trí quan trọng từ màu áo Hà Nội FC trong 2 mùa gần đây cũng như tại đội tuyển Việt Nam dưới thời thầy Park.

Trên thực tế, nhiều người luôn cảm thấy lo sợ về đôi chân thuỷ tinh của Đình Trọng, mẫu cầu thủ đã quá mẫn cảm với chấn thương, mà quên mất rằng Duy Mạnh cũng đã trải qua 3 năm đầy truân chuyên vì những chấn thương nặng. Năm 2020 có thể xem là khởi đầu cho giai đoạn sa sút của trung vệ thuộc biên chế Hà Nội FC. Từ một tình huống phá bóng tưởng chừng như rất đơn giản trong trận tranh siêu cúp Quốc gia giữa Hà Nội FC và TP.HCM vào ngày 1/3 lúc bấy giờ, Duy Mạnh đau đớn nằm vật xuống sân, sau khi tiếp đất. Anh bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước và tổn thương nặng ở sụn chêm. Hà Nội FC vội vã đưa Duy Mạnh đi phẫu thuật. Bác sỹ Tan Jee Lim, người đã phẫu thuật cho Đình Trọng trước đó đã đích thân mổ gối cho Duy Mạnh ở Singapore.

Chấn thương bám theo Duy Mạnh

Nhưng đứt dây chằng chéo trước luôn là nỗi ác mộng của bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào. Ngay cả khi bác sỹ Tan mát tay có thể phẫu thuật tái dạo dây chằng cho Duy Mạnh thành công thì bản thân anh vẫn mất cơ hội ra sân thi đấu trong cả năm 2020. Đấy cũng là thời điểm mà trung vệ sinh năm 1996 phải chiến đấu với trạng thái tâm lý giằng xé, trong nỗ lực tìm kiếm lạc quan giữa muôn vàn những bi quan bủa vây lấy mình.

Nhớ lại giai đoạn điều trị chấn thương vất vả và rời xa sân cỏ, Duy Mạnh thổ lộ: “Chấn thương của tôi là cái vận hạn. Là cầu thủ thì khó tránh khỏi có lúc bị như vậy. Điều quan trọng là nghị lực để vượt qua giai đoạn khó khăn”. Nên nhớ ở thời điểm mà Duy Mạnh chấn thương, anh mới lấy vợ. Nhiều bình luận ác ý nhằm thẳng vào Duy Mạnh và gia đình anh khi đó.

Duy Mạnh tâm sự có những tối anh ngồi một mình, đọc hết từng bình luận trên các diễn đàn rồi tự hỏi mới cách đây ít ngày họ còn tung hô mình như một người hùng, mà khi dính chấn thương nặng lại có thể nói những lời cay nghiệt đến thế. Anh than thở rằng: “Một năm rời xa sân cỏ sau những thành công liên tiếp là quãng thời gian không bao giờ tôi có thể quên. Chấn thương ập đến làm tôi phải sống chậm lại. Nếu hào quang đến với tôi nhanh thế nào thì cô đơn đến với tôi nhanh như thế. Giảm bớt sự quan tâm từ người hâm mộ và báo giới, giảm bớt những buổi tập cùng đồng đội, tôi làm quen với các buổi tập một mình cùng chuyên gia vật lý trị liệu”…

V.League 2021 đánh dấu sự trở lại của Duy Mạnh ở vòng đấu thứ 3. Đó cũng là cột mốc đánh dấu ngày anh tái xuất sân cỏ sau 1 năm chấn thương nặng. Nhưng mọi thứ diễn ra không như ý của trung vệ người Đông Anh. Trong 10 trận mà Duy Mạnh góp mặt ở V.League 2021 trước khi mùa giải lỡ dở vì dịch Covid-19, Hà Nội FC thua tới 5 trận, hoà 1 và chỉ thắng 4 lần. Đó là lý do mà đội bóng thủ đô lần đầu tiên kể từ khi lên hạng V.League 2009 phải kết thúc mùa bóng với vị trí không nằm trong top 3.

V.League 2021 bị huỷ kết quả thi đấu theo cái cách ít ai ngờ. Đội tuyển Việt Nam cũng bắt đầu cho cho một chiến dịch dài hơi chưa từng có khi thi đấu từ vòng loại World Cup đến AFF Cup kéo dài từ tháng 4/2021 đến tháng 2/2022. Và trong khoảng thời gian 1 năm ấy, Duy Mạnh tiếp tục trải qua những cay đắng, vận hạn mang tên thẻ đỏ và chấn thương.

Hình ảnh ám ảnh Duy Mạnh

Trên thực tế, Duy Mạnh mở đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trong trận ra quân của đội tuyển Việt Nam trước Ả-rập Xê-út rất tốt. 53 phút đầu tiên trên sân Mrsool Park khi đó chứng kiến một Duy Mạnh hay nhất kể từ khi trở lại sau chấn thương đứt dây chằng chéo trước. Trong thời gian đấy, anh chọn vị trí chuẩn xác, không mắc một sai lầm, không có lỗi vị trí, không có chuyền bóng hỏng. Mạnh nổi bật với 4 tình huống can thiệp, trong đó có pha cứu thua giá trị như một bàn thắng ở phút 28. Theo thống kê từ Opta, Duy Mạnh có 2 lần tắc bóng, 5 pha giải nguy, 5 lần tranh chấp, 2 lần không chiến thành công.

Nhưng từ người hùng, Duy Mạnh bỗng dưng thành tội đồ. Chỉ trong vòng 4 phút, từ phút 49 đến 53 của hiệp 2, Duy Mạnh nhận liên tiếp 2 thẻ vàng vì lỗi phản ứng và dùng tay chơi bóng. Điều đó không đến từ chủ đích của Duy Mạnh. Nhưng sân chơi quốc tế không nương tay cho bất cứ hành động sai luật trên sân cỏ. Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu. Đội tuyển Việt Nam cũng vì không còn Duy Mạnh mà sụp đổ với thất bại chung cuộc 1-3 trước Ả-rập Xê-út.

Nhưng đó không phải là lần duy nhất Duy Mạnh khiến người hâm mộ Việt Nam cảm thấy thất vọng tại vòng loại World Cup. Bởi ở trận đấu với Oman sau đó trong tháng 10, anh tiếp tục có tình huống dùng cùi chỏ thúc vào mặt đối phương trong vòng cấm địa. Một lần nữa, nhìn từ băng hình quay chậm, Duy Mạnh không thật sự chủ đích chơi xấu cầu thủ Oman. Nhưng trong 1 giây vô thức, Duy Mạnh đã khiến Việt Nam chịu một quả phạt đền và thua tiếp với cùng tỷ số 1-3.

Những chỉ trích, phán xét nhằm vào cách chơi bất ổn của Duy Mạnh xuất hiện ngày một dày đặc. Đa số các ý kiến cho rằng HLV Park Hang Seo cần phải mạnh dạn gạt đi những công thần đã sa sút phong độ như Đình Trọng, Duy Mạnh để nhường chỗ cho các trung vệ trẻ có phong độ cao hơn. Và khi mà thầy Park vẫn còn đang lấn cấn thì ở trận bán kết lượt đi giữa Thái Lan và Việt Nam tại AFF Cup 2020, Duy Mạnh trải qua thêm một chấn thương nặng nữa. Trong nỗ lực băng vào phá bóng trong chân của Supachai Jaided bên phía Thái Lan ở cuối hiệp 2, Duy Mạnh không những khiến đội tuyển Việt Nam chịu một quả phạt đền mà chính anh còn bị trật khớp vai dẫn đến phải đi cấp cứu.

Kể từ đó, Duy Mạnh cũng chưa thể tái xuất sân cỏ. Hình ảnh mới nhất mà người hâm mộ thấy được chỉ là một Duy Mạnh mới tham gia tập luyện cơ bản ở Hà Nội FC trong 1 tuần trở lại đây. Và có lẽ sẽ cần phải chờ thêm một thời gian nữa để anh tìm lại phong độ đỉnh cao ngày nào.

Không còn Duy Mạnh, HLV Park Hang Seo sẽ phải tìm kiếm những gương mặt khác khoả lấp vào vị trí trung vệ. Nguyễn Thành Chung đang là phương án khả dĩ hơn cả. Trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2020 gặp Thái Lan cũng như hai trận đấu tại lượt 7 và 8 của vòng loại thứ 3 World Cup 2022, trung vệ sinh năm 1997 đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt ở chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc, Thành Chung còn được chấm 7,2 điểm từ trang thống kê uy tín Sofa scored. Cụ thể, cả hiệp 1, Thành Chung khiến Lu Guofu, niềm hy vọng số 1 trên hàng công của Trung Quốc “tắt điện” hoàn toàn. Trong cả trận, các chỉ số kỹ thuật của Thành Chung khá ấn tượng. Anh có tới 13 lần giải nguy, 2 pha chặn đứng cú dứt điểm của đối thủ, 1 lần cắt bóng, 1 pha tắc bóng, 1 lần tranh chấp, 4 lần không chiến thành công.

Phong độ cao của Thành Chung cũng là lý do để HLV Park Hang Seo tạm yên lòng cho vị trí trung vệ lệch phải ở đội tuyển Việt Nam. Tất nhiên, đấy cũng sẽ là động lực để Duy Mạnh càng phải quyết tâm hơn nữa. Bởi nếu anh vẫn chưa dứt vận hạn từ chấn thương đến phong độ sa sút như trong 2 năm qua, rất khó để chàng công tử điển trai đến từ Đông Anh có thể lấy lại một suất đá chính trong đội hình đội tuyển Việt Nam.

Nhưng đây cũng có thể là động lực để thầy Park tạo bước ngoặt nơi hàng phòng ngự vốn đã rất ổn định những năm qua. Một bộ mặt mới hoàn toàn ở bộ ba trung vệ là điều đang được kỳ vọng, với những nhân tố như Adriano Schmidt, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Đào Văn Nam, bên cạnh kinh nghiệm của Quế Ngọc Hải và Nguyễn Thành Chung.