NỘI DUNG: THANH ĐÌNH / ĐỒ HỌA: Z.K

Romelu Lakaku, người mang tới giải pháp cho vị trí “số 9” nay lại là vấn đề. Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều tới tiến trình của Chelsea. Họ đã có Kai Havertz, người từng bị coi là vấn đề, bây giờ trở thành giải pháp.

Ngay cả những người hâm mộ Chelsea không mê tín cũng không thể tìm ra lời giải thích nào tốt hơn việc các “số 9” của họ bị chịu lời nguyền. Từ những tên tuổi như Hernan Crespo, Fernando Torres đến Radamel Falcao, Alvaro Morata và Gonzalo Higuain, tất cả đều thất bại. Những tưởng Romelu Lakaku sẽ xóa dớp thành công sau khởi đầu hứa hẹn, hỡi ôi, chiếc áo “số 9” với ám ảnh ma quái đã biến chân sút người Bỉ trở thành vấn đề nhức nhối.

Tuy nhiên việc tìm kiếm “số 9”, một hành trình đầy mệt mỏi, giờ không còn cần thiết nữa. Kai Havertz đang làm quá tốt công việc lĩnh xướng hàng công khi tham gia vào 6 bàn (5 pha lập công, 1 kiến tạo) trong 6 trận gần nhất. Tính mọi đấu trường, ngôi sao người Đức đã có 11 bàn, bằng với Lukaku và nhiều hơn mọi đồng đội khác.

Nếu điều đó chưa đủ ấn tượng, thì đây, ở tất cả các mặt trận Chelsea tham gia mùa này, Havertz luôn để lại dấu ấn, hoặc ghi bàn hoặc kiến tạo. Anh có 6 bàn tại Premier League, 2 ở Champions League, 2 ở League Cup, ghi bàn quyết định trong trận chung kết FIFA Club World Cup, kiến tạo cho Hakim Ziyech mở tỷ số ở trận tranh Siêu Cúp châu Âu và cũng có đường chuyền thành bàn tại Cúp FA.

Người hâm mộ Chelsea từng nói rằng Havertz đã hoàn trả số tiền kỷ lục 71 triệu bảng bằng bàn thắng vào lưới Man City, giúp The Blues lần thứ hai đăng quang Champions League. Vì vậy, bất cứ điều gì anh tạo ra sau đó sẽ là phần thưởng thêm. Dĩ nhiên Ban lãnh đạo cũng như Thomas Tuchel không nhìn nhận theo cách ấy. Họ cần những màn trình diễn bùng nổ từ cầu thủ 22 tuổi thường xuyên và liên tục. Không vấn đề, Havertz đang làm điều đó. Với tư cách “số 9 ảo”.

Trong những tháng đầu khoác áo Chelsea, có rất ít ấn tượng về việc Havertz sẽ đá tiền đạo. Trong quá trình mày mò để tìm ra vị trí tốt nhất cho bản hợp đồng đắt nhất lịch sử CLB, Frank Lampard một lần xếp Havertz ở vị trí “số 9 ảo” trong trận đấu với Liverpool vào tháng 9/2020. Cuộc thử nghiệm kết thúc sau 45 phút, khi Andreas Christensen nhận thẻ đỏ rời sân. Các tình huống phối hợp ăn ý với Timo Werner và Mason Mount sớm bị lãng quên. Havertz được xếp đá “số 10” trong hệ thống 4-2-3-1 trước khi cố định với vai trò “số 8” lệch phải ở sơ đồ 4-3-3.

Chiến thuật thiếu nhất quán, sau đó chơi quá sâu và dành phần lớn thời gian cũng như năng lượng cho công việc phòng thủ khiến Havertz không thể tái hiện những màn trình diễn bùng nổ như khi còn khoác áo Leverkusen.

Khi Lampard bị sa thải, một đại diện đã nói với The Athletic, Ban lãnh đạo Chelsea không hài lòng với việc HLV người Anh “không biết cách, và cũng không cố gắng phát huy tài năng những cầu thủ đắt giá được mua về, bao gồm Havertz”. Có vẻ Lampard đã không tham vấn các tuyển trạch viên, những người có cái nhìn cụ thể hơn sau quá trình dài theo dõi ngôi sao người Đức.

“Ngay cả khi Chelsea mua Havertz với ý tưởng xếp cậu ấy ở vị trí số 8, tôi không chắc nó sẽ thành công. Theo tôi, Havertz phải đá tiền đạo lùi, nơi cậu ta được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng thủ, sau đó thoải mái phát huy sức sáng tạo, sự tinh tế, kỹ năng ghi bàn và kiến tạo”, một tuyển trạch viên giàu kinh nghiệm, chuyên cung cấp đánh giá cầu thủ cho các CLB lớn nói với ESPN vào mùa thu 2020.

Lớn lên ở Aachen, thành phố ở cực Tây nước Đức, Havertz luôn là học sinh giỏi ở trường. Thế nhưng Ronaldinho đã thắp lên ngọn lửa đam mê bóng đá trong anh. Nếu không phải học, công việc ưa thích của anh là ngồi trước TV và xem một cách say mê đôi chân ảo diệu của siêu sao người Brazil.

“Ronaldinho là mẫu cầu thủ mà bạn ngưỡng mộ và không ngừng đặt câu hỏi, làm thế nào anh ta lại giỏi đến như vậy?”, Havertz nói, “Từ khi còn bé tôi đã cố gắng bắt chước các động tác của Ronaldinho với quả bóng ngoài vườn”.

Nhưng Havertz không chỉ thần tượng mỗi Ronaldinho. Anh còn thích Kaka, Mesut Oezil, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. “Tôi vẫn còn là cậu nhóc còn họ là những ngôi sao. Tôi xem họ chơi trên các sân khấu lớn và tự nhủ, hẳn họ hạnh phúc lắm”, anh nhớ lại.

Đó là lý do khi lớn lên, Havertz không đóng khung mình trong một phong cách, một vị trí nhất định. Anh nói: “Tôi khởi nghiệp ở vai trò số 8, rồi số 10. Tôi cũng là cầu thủ chạy cánh trái hoặc phải, và đôi khi cả vị trí số 9. Tuy nhiên tôi biết mình không phải trung phong cắm thực thụ. Tôi không quanh quẩn trong khu cấm địa và chờ đợi các quả tạt. Tôi muốn áp đặt ảnh hưởng lên trận đấu, lùi xuống và khởi phát các cuộc tấn công”.

Vì vậy anh tin mình phù hợp với vai trò “số 9 ảo”. Như anh nói, “vị trí ấy gắn liền với Messi hồi đầu ở Barca, và bây giờ, Pep Guardiola đang vận hành Man City mà không cần trung phong cắm”. Havertz cũng có trải nghiệm tuyệt vời trong thời gian cuối tại Leverkusen. Do các chấn thương của Kevin Volland và Lucas Alario, anh được HLV Peter Bosz đẩy lên chơi “số 9 ảo”. Thành quả thu lại là 10 trận cuối cùng trước khi bóng đá bị đình trệ vì Covid-19, Havertz ghi 8 bàn, bao gồm 6 bàn từ tình huống mở, và 2 pha kiến tạo.

Thomas Tuchel sớm nhận ra phẩm chất đặc biệt của cậu học trò. “Kai là cầu thủ độc nhất vô nhị”, ông nói vào tháng 3/2021, chỉ một tháng rưỡi sau khi trở thành người kế nhiệm Lampard, “Cậu ấy chơi tốt nhất ở khu vực nào, vị trí nào? Giờ thì tôi có thể khẳng định cậu ta là cầu thủ lai giữa số 9 và số 10. Kai thoải mái ở khu vực 1/3 sân đối phương, lĩnh xướng các cuộc tấn công, thâm nhập và dứt điểm tốt”.

Mặc dù vậy, số phận tiếp tục thử thách Havertz. Sự xuất hiện của Lukaku, chấn thương gân kheo, mắt cá và gãy ngón tay, cộng thêm lần thứ hai dương tính với Covid-19 đã làm gián đoạn các màn trình diễn của cầu thủ người Đức.

Nhưng Havertz đã rất bình tĩnh để xử lý các tình huống. Điều này tương tự cách Havertz đứng trước quả penalty trong trận chung kết FIFA Club World Cup với Palmeiras ở Abu Dhabi. “Khi đứng đó, tôi biết cả thế giới đang dõi theo từng cử động. Nó khiến tôi lo lắng. Và tôi nghĩ về ngày còn bé, chưa bao giờ tôi có thể hình dung mình được đặt vào tình huống này. Vì vậy tôi tự nhủ phải tận hưởng, và giảm áp lực cho bản thân bằng việc trấn an mình, ngay cả khi sút hỏng tôi vẫn có thể tự hào”, Havertz nói.

Tất cả đều biết điều gì xảy ra tiếp theo. Anh chạy đà, dừng lại quan sát chuyển động của thủ môn đối phương trước khi sút bóng vào bên trái cầu môn.

Thực tế là Havertz trưởng thành hơn cái tuổi 22. Nhiều người sau khi khen ngợi thái độ chuyên nghiệp chuyển sang ngạc nhiên bởi sự miễn nhiễm của Havertz trước áp lực. Đôi khi họ cảm thấy anh như robot, chỉ tập luyện, ra sân và lặp lại.

Trước đây xen vào chu trình đó là học tập. Mùa 2016/17 ở Leverkusen, Havertz đã vắng mặt trong trận đấu vòng 1/8 Champions League với Atletico. Lý do, như được ghi trong danh sách cầu thủ chấn thương và treo giò, là “Havertz có kỳ kiểm tra quan trọng tại trường”. Bóng đá là số một, nhưng việc vượt qua kỳ thi Abitur để có bằng chứng nhận đạt đầu vào đại học cũng rất quan trọng. Và trí thông minh của Havertz luôn được đánh giá cao, bên cạnh bản lĩnh.

Tại Đức, người ta thường so sánh Havertz với “kẻ cắp không gian” Thomas Mueller. Anh rất giỏi tìm kiếm khoảng trống để có thể bất cứ đâu trên sân, nhưng luôn xuất hiện đúng nơi, đúng thời điểm để khiến đối thủ tổn thương. Theo cách lý giải của Havertz, “bóng đá đã thay đổi, qua rồi thời kỳ mà mỗi cầu thủ được gắn với một vị trí trong cấu trúc cố định, giờ đây khi có bóng, bạn phải thích ứng với bối cảnh và trở thành bóng ma với các hậu vệ”.

Không ai nhận thức được sự thay đổi trong bóng đá rõ ràng hơn Havertz, vì anh đã xoay chuyển số phận mình chỉ trong 2 giây.

Đó là khoảnh khắc đối mặt Ederson của Man City trong trận chung kết Champions League 2020/21 mà mỗi khi nghĩ về, Havertz nói rằng anh vẫn nổi da gà. “Mọi thứ diễn ra quá nhanh để tôi không nhớ đã chạy và vượt qua thủ môn như thế nào, nhưng tôi nhớ lúc thực hiện cú chạm bóng trước khi nó vào lưới”, Havertz nhớ lại, “Tôi đã nhủ thầm, làm ơn, đó phải là bàn thắng.

Một cơ hội quá ngon ăn và nếu không ghi bàn, tất cả sẽ nói rằng mùa giải đầu tiên của tôi là một thảm họa. Một cầu thủ tồi. Vì thế bàn thắng đã tới và giúp ích nhiều cho tôi. 2 giây ngắn ngủi đã biến đổi cả mùa giải”.

Đội trưởng Cesar Azpilicueta xác nhận sự khác biệt ấy. “Đây là một mùa giải khó khăn nhưng anh chàng này sẽ trở thành một siêu sao”, hậu vệ người Tây Ban Nha trong trận chung kết, “À mà không phải, thực tế cậu ta đã là siêu sao rồi, sau đêm nay”.

Dĩ nhiên Havertz không dừng lại ở đó. Anh tiếp tục tiến lên phía trước, không ngừng cải thiện mình và tận dụng tốt mọi cơ hội có được để trở thành siêu sao thực thụ. Bây giờ Havertz đang rất gần mục tiêu đó.

“Kai đang thăng tiến mạnh mẽ. Cậu ấy quyết đoán, tạo ra cơ hội và không bao giờ ngại hỗ trợ phòng ngự, đầy nhiệt huyết và bao quát phạm vi rộng lớn”, Tuchel nói cách đây không lâu. Bên cạnh bàn thắng, các số liệu khác minh họa cho lời ca ngợi của HLV 48 tuổi. Tại Champions League mùa này, trung bình mỗi 90 phút thi đấu, Havertz di chuyển trung bình 11,7 km. Ở Premier League anh chạm bóng 50 lần mỗi trận. Để so sánh, con số tương ứng của Lukaku là 8,6 km và 28 chạm.

Vì vậy, Lukaku sẽ tiếp tục vật lộn với lời nguyền “số 9”. Còn Chelsea, đó không còn là vấn đề. Họ đang hạnh phúc với Havertz.

 On Football