NỘI DUNG: DŨNG PHAN / ĐỒ HỌA: Z.K

Chuyện gì đã diễn vào thời điểm Cristiano Ronaldo rời ngôi nhà Manchester United để chuyển sang khoác áo Real Madrid? Có thật chỉ là cảnh kiêu ngạo và cạn tình trên mặt báo? Vì sao sau 12 năm, Alex Ferguson, Rio Ferdinand…, và rất nhiều huyền thoại khác nữa, vẫn muốn Cristiano Ronaldo phải trở về với họ? Tại sao chủ tịch Florentino Perez có trong tay Ronaldo với 9 năm vinh quang mà vẫn sẵn sàng buông tay? Bài viết hôm nay sẽ mở ra bức màn nhung đó.

“Alo”

“Khi nào thì các ông mang Ronaldo tới đây?”

“Lúc này thì không thể được nữa! Anh ta phải ở đây ít nhất là 2 năm nữa”.

“Ổn thôi, nhưng hãy nhớ một ngày nào đó chúng tôi sẽ đưa cậu ta về Real Madrid.” Đó là Jose Angel Sanchez, giám đốc điều hành Real Madrid. Cuộc gọi được thực hiện vào năm 2005 và người nhận là Jorge Mendes - người đại diện của Ronaldo. Đấy chính là cuộc gọi mở ra sợi dây liên hệ giữa hai bên, là khởi đầu cho một thương vụ không thể cản nổi sau đó 4 năm.

“Ngày nào đó, tớ sẽ khoác áo Real Madrid”, một anh chàng 16 tuổi đã ngạo nghễ tuyên bố như vậy tại một khách sạn nhỏ tại Lisbon. Lúc đó anh ta đang cùng mấy người bạn trong đội trẻ Sporting Lisbon xem một trận đấu có sự hiện diện của Real Madrid. Trước đó một năm, vào mùa hè năm 2000, thần tượng của chị gái Ronaldo, cầu thủ số 1 của Bồ Đào Nha lúc ấy là Luis Figo đã trở thành nhân vật chính trong một vụ chuyển nhượng đình đám khi chuyển từ Barcelona qua Real Madrid. Đấy là một thương vụ gây tác động lớn không chỉ đối với La Liga, mà còn với cả thế giới bóng đá, đương nhiên tạo ra một ấn tượng sâu sắc về cái tên Real Madrid trong những cầu bé đam mê bóng đá ở Bồ Đào Nha. Trong giấc mơ của tuổi thiếu thời, ở Ronaldo vốn không hề có sự hiện diện của MU, mà chỉ có Real.

Hai năm sau, Manchester United ghé qua Sporting Lisbon để thi đấu một trận giao hữu. Tại đó, toàn đội Manchester United đã gặp Cristiano Ronaldo lần đầu tiên. John O’Shea được xếp chơi vị trí hậu vệ phải và được giao kèm Cristiano Ronaldo. Miêu tả về màn trình diễn đó của O’Shea, Rio Ferdinand đã viết mấy chữ “O'Shea phải thở mặt nạ ôxy”. Còn Roy Keane thì bảo O'Shea phải gặp bác sỹ của CLB vì chóng mặt. Hoảng hốt trước màn trình diễn của Ronaldo, cả đội đã vây quanh Alex Ferguson và yêu cầu ông phải ký hợp đồng với cậu ta ngay lập tức. Mùa hè năm 2003, Manchester United đã bỏ ra cái giá 12,2 triệu bảng để lấy được Ronaldo về từ Sporting Lisbon.

“Ánh nắng đâu hết cả rồi? Ai đã tắt đèn đi vậy?” Đó là câu nói nửa đùa nửa thật của Ronaldo trong chuyến làm khách đến Newcastle. Nhưng thực ra nó phản ánh một trong những khó khăn lớn nhất mà Ronaldo gặp phải khi chuyển đến Manchester United. Đấy chính là thời tiết. Sinh ra tại hòn đảo Madeira thuộc Bồ Đào Nha, lớn lên bên những tia nắng ấm, tiết trời âm u tại xứ sở sương mù thực sự là một vấn đề với Ronaldo và anh phải chịu đựng nó suốt 6 năm trời. Dù ngoại cảnh không cản bước được Ronaldo chinh phục vinh quang, nhưng ngoại cảnh góp phần quan trọng trong quyết định trở lại bán đảo Iberia của Ronaldo, sau khi anh đã giành được tất cả những gì có thể tại MU.

Ngày 6/9/2005, cha của Ronaldo, ông Dinis Aveiro qua đời ở tuổi 52. Sự biến ấy khiến Ronaldo nhận thức rõ ràng hơn rằng mẹ anh Maria Dolores, vốn đã luôn là trụ cột gia đình, chính là tài sản quý giá nhất mà anh còn có trên đời. Nghĩa vụ của anh là làm mẹ vui. Tháng 1/2008, bà Dolores phát biểu trước tờ AS: “Trong tương lai, tôi muốn con trai tôi chơi cho Real Madrid trước khi tôi mất”. Giấc mơ thuở 16 tuổi sống dậy dữ dội hơn bao giờ hết, Cristiano Ronaldo hiểu điều anh muốn trong chặng đường kế tiếp. Không ngập ngừng, không do dự, không cần thả thính, cầu thủ người Bồ Đào Nha công khai trên báo chí về ước mơ đến với Real Madrid. Trước trận chung kết Champions League 2008 với Chelsea, hay sau khi bị loại ở Euro 2008, Ronaldo đều nói về một ước mơ, về một giấc mơ anh muốn điều đó thành hiện thực, đấy là chuyển sang Real Madrid. Ronaldo biết ơn Manchester United như biết ơn một người tình tào khang. Nhưng Ronaldo mộng về Real Madrid như mộng về mối tình đầu. Ở trong ấy có khát khao tuổi trẻ, có hấp lực phải chinh phục khi đã thành đạt.

Rio Ferdinand khoác vai Ronaldo, vừa cười vừa nói: “Chàng trai, ở lại chứ? Chúng ta là đội hình mạnh nhất từng chơi cho CLB này đấy. Hãy ở lại và viết tiếp lịch sử”.

Ronaldo ngập ngừng: “Tôi rất thích, nhưng…”

Rio quay sang Jorge Mendes đang đứng cạnh “Thôi nào ông anh! Cho cậu ấy ở lại đi.” Mendes chỉ cười.

Cả Manchester đều hiểu, họ chỉ có thể giữ được Ronaldo theo đơn vị tháng.

Ronaldo lúc này đã là ngôi sao được thèm khát nhất thế giới. 5 năm sau khi đến xứ sương mù, anh đã vươn tầm trở thành siêu sao, giành Champions League, Premier League, Quả Bóng Vàng và có hết tất cả mọi thứ từ danh tiếng đến tiền bạc. Mùa hè 2008, những người Madrid ráo riết hành động để mang Ronaldo về. Các tạp chí Marca, AS như thường lệ vào cuộc hầu như mỗi ngày khiến cả Manchester tức điên lên mà không thể làm gì. Phải, họ không thể làm gì khi mà chính Ronaldo cũng đề xuất được ra đi. Chủ tịch Real Madrid thời điểm đó, ông Ramon Calderon tiếp cận bằng những lời đề nghị không tưởng, bất chấp sự khó chịu ra mặt của giám đốc điều hành David Gill phía Manchester United. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đổ thêm dầu vào lửa khi lên tiếng khuyên MU nên để Ronaldo qua Real trong một bài phỏng vấn. Cũng trong bài phỏng vấn này, ông Sepp Blatter còn có một phát ngôn nổi tiếng: "Tôi nghĩ rằng trong bóng đang tồn tại quá nhiều tình trạng chiếm hữu nô lệ kiểu hiện đại”. Cristiano Ronaldo khi được hỏi về điều này đã cố trả lời một cách tế nhị nhất để không thể hiện sự thiếu tôn trọng với MU, dù rằng vẫn đồng ý với quan điểm của Sepp Blatter. Kết quả là sáng hôm sau, báo chí xứ sương mù tràn ngập dòng tít “Ronaldo tự ví mình là nô lệ của MU”.

Đám đông dễ bị dẫn lối, nhưng những người chủ chốt tại Manchester thì không. Điều khiến những người Manchester tức giận không phải là việc Ronaldo đòi ra đi, mà vì cách tiếp cận của chủ tịch Calderon khi ấy. Họ đã chuẩn bị cho việc Ronaldo ra đi từ 5 năm trước, nhưng không chấp nhận chuyện người ta dám lôi kéo Ronaldo bằng cách tấn công công khai vào chính ngôi nhà tôn nghiêm của Sir Alex Ferguson. Trong cuốn tự truyện của mình, Alex Ferguson kể khi ấy ông đã hỏi trợ lý Carlos Queiroz “Có thể giữ được Cristiano Ronaldo trong bao lâu?”, và vị HLV đồng hương của Ronaldo đã trả lời “5 năm là tối đa”. Thời gian mùa hè 2008 lúc này chính là cột mốc ấy. Nhưng cách hành xử của Calderon khiến cho Alex Ferguson tức giận. 5 năm trước, Real Madrid lấy đi David Beckham, 2 năm trước, Real Madrid lấy Van Nistlerooy, và giờ Real nhăm nhe cướp nốt Ronaldo. 5 năm liên tục, những ngôi sao sáng nhất, những cầu thủ quan trọng nhất của sân Old Trafford đều bị Real mua về. Ferguson đã gầm lên: "Bọn họ là ai mà đòi muốn gì là được nấy?"

MU lúc đó đường đường là đương kim vô địch Châu Âu, còn Real thì 5 năm liên tục bật bãi tại vòng 1/8 Champions League. Nhưng chỉ cần mua được Ronaldo, Real có thể ưỡn ngực khẳng định ai mới là vua Châu Âu đích thực. Chủ tịch Ramon Calderon cũng cố tình xoáy sâu vào điều này khi bóng gió tới Real Madrid là bước đi hợp logic tiếp theo của Ronaldo. Ngoài ra, còn là bài toán kinh tế. Số liệu kiểm toán chỉ ra, doanh thu mùa 2006-2007 của Real Madrid là 279 triệu bảng, hơn 29 triệu bảng so với MU. Ở thời điểm mùa hè 2008, giá trị thương hiệu của MU vẫn là số 1 thế giới, với con số được định giá lên đến 903 triệu bảng. Còn xếp ngay sau MU? Vâng chính là Real Madrid. Điều gì sẽ xảy ra nếu năm nay mất Cristiano Ronaldo, người đang là ngôi sao số 1 thế giới?

5 năm về trước, Quỷ Đỏ mất Beckham và cũng mất luôn ngôi vị kiếm tiền số 1 thế giới về tay Real Madrid. Lãnh đạo của Manchester United hiểu điều đó, vì vậy ngay trong mùa hè 2008, GĐĐH David Gill đã mang đơn kiện đến FIFA, còn Alex Ferguson đáp chuyên cơ sang Bồ Đào Nha để gặp riêng Ronaldo. Cuộc chuyển nhượng Ronaldo của mùa hè năm 2008 đã leo thang trở thành cuộc chiến về danh dự, sự tôn nghiêm, về giá trị thương hiệu và tiền bạc giữa Real Madrid và Manchester United.

Lisbon, Bồ Đào Nha, biệt thự của Carlos Queiroz.

Phòng khách lúc này có 4 người. Họ lần lượt là ngôi sao Cristiano Ronaldo, người đại diện Jorge Mendes, và người thầy Alex Ferguson cùng trợ lý Carlos Queiroz.

Ferguson cất lời: “Cậu không thể ra đi trong năm nay, không thể được, nhất là sau khi Calderon đã tiếp cận vấn đề theo kiểu đó. Tôi biết cậu muốn đến Real Madrid. Nhưng tôi thà giết cậu còn hơn bán cậu cho gã đó vào lúc này.” Ông nói tiếp “Nếu tôi bán cậu năm nay, tôi sẽ mất hết danh dự, mất hết mọi thứ, và tôi sẽ không bận tâm việc để cậu ngồi trên khán đài đâu.” Và để làm hòa hoãn mọi thứ, Ferguson cũng nói thêm: “Nếu cậu thi đấu tốt, đừng hành xử ngốc nghếch, sau đó Real Madrid quay lại và đề nghị với chúng tôi một khoản phí chuyển nhượng kỷ lục thì CLB sẽ để cậu ra đi.”

Ván bài lật ngửa với một yêu cầu cụ thể: ở lại thêm 12 tháng, và ra đi nếu Real Madrid quay lại cùng đề nghị kỷ lục thế giới.

Ronaldo trả lời thế nào?

Ngày 8 tháng 8 năm 2008, một cuộc điện thoại đường dài gọi đến Bogota, Colombia, nơi Ramon Calderon cùng Real Madrid đang chuẩn bị cho trận giao hữu với CLB Santa Fe.

“Alo!”

“Thưa chủ tịch, tôi sẽ đưa máy cho Ronaldo, cậu ấy muốn nói chuyện trực tiếp với ông”.

“Ngài chủ tịch, xin hãy tha thứ cho tôi. Tôi biết chúng ta đã đề cập rằng năm nay tôi sẽ đến Real Madrid, nhưng hiện tại thì chưa thể. Ferguson và CLB đã đề nghị tôi ở lại.”

Ronaldo dừng lại một chút rồi tiếp lời: “Tôi có nhiều thứ phải cảm ơn Manchester United, các cổ động viên Manchester United, và đặc biệt là Ferguson. Ông ấy như một người cha của tôi. Vì thế tôi không thể ra đi ngay trong năm nay, nhưng tôi và Jorge sẽ sắp xếp mọi thứ trong mùa giải năm sau.”

Để nhấn mạnh thêm tính tự chủ trong các quyết định của bản thân, Ronaldo tuyên bố anh chịu trách nhiệm cho những phát ngôn đã qua của mình, và Real Madrid không liên quan gì đến việc này.

Ronaldo đã đồng ý ở lại thêm một mùa giải nữa với Manchester United. Với quyết định này, Ronaldo đã hy sinh cơ hội lớn của cuộc đời, chấp nhận chờ đợi thêm 12 tháng đầy rủi ro. Từ hôm nay nhìn lại thấy mọi thứ thật dễ dàng, nhưng nếu chúng ta đặt bản thân mình vào Ronaldo khi đưa ra quyết định đó, nghĩ về giấc mơ của anh và mẹ anh đang ở trước mắt, nhưng tạm hoãn với rất nhiều biến số trong 9 tháng tới như chấn thương, như thay đổi HLV, Chủ tịch (sẽ nói cụ thể hơn ở phần cuối bài viết), thì mới thấy rõ được vì sao Ronaldo luôn được Alex Ferguson yêu quý. Ronaldo không chỉ đã bảo toàn cho sự tôn nghiêm của người thầy đáng kính Alex Ferguson, mà bằng tài năng xuất chúng của bản thân, cùng sự chuyên nghiệp của mình, anh cống hiến cho Manchester United thêm một mùa giải vô địch Premier League nữa. 3 mùa giải từ 2006/2007 đến 2008/2009, Ronaldo là cây săn bàn hàng đầu CLB, cũng là 3 mùa giải Quỷ Đỏ giành 3 Premier League liên tục. Trong cuốn tự truyện của mình, Alex Ferguson đã gọi đó là “niềm tự hào và lòng biết ơn”, và rằng “Thực tế, chúng tôi có anh ấy trong 6 năm như một phần thưởng thêm vậy.”

Ngày 11/6/2009, Manchester United tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận với Real Madrid về tương lai của Ronaldo. Di sản anh để lại khi rời Old Trafford là 292 trận đấu, 118 bàn thắng, đã mang đến cho đội bóng tất cả những danh hiệu cao quý nhất từ tập thể (Champions League) đến cá nhân (Quả bóng Vàng). Và khi rời đi, anh để lại cho ngân khố CLB 80 triệu bảng (tương đương 94 triệu euro ở thời điểm ấy).

Ngày trở lại Old Trafford, Cristiano Ronaldo sẽ gặp lại một cố nhân, đấy chính là Mike Phelan, một trong những người đóng vai trò lớn nhất cho sự phát triển của Ronaldo. Người đã không giấu được nỗi buồn khi Ronaldo rời đi. Nhưng cũng như Rio, như Gary Neville… tất cả đều yêu quý Ronaldo vì trái tim ấm áp, vì tham vọng lớn lao mà anh muốn vươn tới. Và vì họ đều có chung cảm nhận, mình đang chứng kiến và góp phần tạo nên một người rất đặc biệt. Mọi thứ giống như một đoạn phim được tua ngược, ngày đầu Cristiano đến Carrington, bỡ ngỡ, nhưng tự tin, đỏm dáng, nhưng hãnh tiến. Anh như viên ngọc thô càng mài càng sáng, rồi một ngày tất cả bị ánh sáng ấy hút vào. Họ cảm giác mình phải gần gũi và giúp đỡ anh chàng này, vì anh sẽ tạo nên những điều đặc biệt, vì chuyện anh ra đi cũng là chuyện ta phải mở cánh cửa cho anh đi. Ronaldo đã làm được tất cả không thiếu điều gì ở Manchester United. Sau đó, chia tay với danh dự và tôn nghiêm cho CLB.

Không như nhiều huyền thoại khác, Ronaldo tạm biệt MU ở tuổi 24, với tài năng còn hứa hẹn sẽ bừng sáng, nên tiếc nuối là điều luôn ở lại Old Trafford. Trong quãng thời gian 12 năm chia xa đó, ít nhất là 2 lần Manchester United đã đặt vấn đề tái hợp với CR7, vào các năm 2013 và 2014. Cristiano đã đi một hành trình xa, rất xa so những gì mà những người Manchester ngày đó có thể tưởng tượng ra. 12 năm trước, đội bóng buồn bã chia tay một siêu sao. 12 năm sau, đội bóng đón về một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của thế kỷ.

Cuối năm 2008, Carlos Bucero – trợ lý của Giám đốc thể thao Pedja Mijatovic nảy ra một ý tưởng về việc ký một hợp đồng trước với Ronaldo, như một bản thỏa thuận để đảm bảo Ronaldo sẽ chuyển đến Real Madrid vào mùa hè năm sau. Bản thỏa thuận này được đọc trước sự chứng kiến của một công chứng viên, được ký bởi Ramon Calderon và Jorge Mendes. Theo thỏa thuận, Real Madrid cam kết phải ký hợp đồng với Ronaldo, và phía Ronaldo cũng có cam kết tương tự. Bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường 30 triệu euro cho bên còn lại. Một bức thư khác cũng được gửi cùng bản thỏa thuận, với điều khoản chuyển nhượng đúng bằng mức phí phải phóng hợp đồng của Ronaldo là 80 triệu bảng. Pedja Mijatovic và Ramon Calderon đã ăn mừng phi vụ này trong kín đáo.

Tuy nhiên, Ramon Calderon không biết bão giông sắp kéo tới Bernabeu. Những nghi ngờ và cáo buộc chống lại Calderon càng lúc càng nhiều. Cuối cùng, sau khi nhận cáo buộc liên quan đến một cuộc bỏ phiếu gian lận qua đường bưu điện, Calderon đã phải rời ghế vào tháng 1/2009. Người thay ông là phó chủ tịch Vicente Boluda. Cùng thời điểm, Florentino Perez – cha đẻ của thuyết Galacticos, người đã từ chức chủ tịch Real Madrid 3 năm trước đó - đang sắp đặt các bước để trở lại. Một loạt các cuộc vận động hành lang ráo riết đã diễn ra trong thời điểm 3 tháng đầu tiên của năm 2009, trong đó có câu chuyện liên quan đến giá chuyển nhượng của Cristiano Ronaldo. Eduardo Fernandez de Blas, chủ tịch của nhóm vận động hành lang Etica Madridista, người sau này sẽ là phó chủ tịch dưới thời Perez, đã mổ xẻ thương vụ Ronaldo, giá trị chuyển nhượng, tình hình tài chính của CLB. Chủ tịch tạm quyền Vicente Boluda bị tấn công dữ dội bằng các cáo buộc liên quan tới việc làm lãng phí các nguồn tài nguyên của CLB. Lo lắng trước các cuộc điều trần trước Ban Quản Trị, Vicente Boluda đã gọi cho Mendes và đề nghị phá vỡ thỏa thuận được ký dưới thời Calderon, chấp nhận trả 30 triệu euro đền bù đó. Tương lai của Ronaldo bị đẩy vào một vòng xoáy lớn. Hành động tiếp theo của Mendes, Perez, de Blas hay Boluda đều sẽ là những biến thiên cho ước mơ của Cristiano. Ai sẽ là chủ tịch của Real Madrid nhiệm kỳ mới? Liệu người ấy có sẵn sàng bỏ ra 80 triệu bảng để đem Ronaldo về Bernabeu?

Jorge Mendes quả không hổ danh "siêu cò". Ông nhanh chóng đưa ra một phương án khiến Madrid phải “chùn”. "Chúng tôi sẽ không yêu cầu Real trả một khoản phí nào cả, nhưng Ronaldo sẽ đến Barcelona". Giám đốc Jose Angel Sanchez là người đầu tiên hoảng hốt khi nghe tin này “Nếu Messi gặp Ronaldo tại Barcelona, trong 10 năm tới chúng ta sẽ không có một danh hiệu nào.” Vicente Boluda dẫn đầu phái phủ quyết, với lý do đương nhiên là những nguy cơ với sức khỏe tài chính của CLB. Tuy nhiên, ông đã làm một hành động rất “biết người biết ta”, đó là gọi điện cho “Bố già” Florentino Perez – người chưa nói về việc ứng cử, nhưng nếu đã ứng cử thì sẽ thắng. Perez nói “Sau hôm nay, de Blas sẽ không bàn thêm câu nào nữa”. Vài ngày sau, Perez tuyên bố tham gia tranh cử. Và Perez quyết định: thỏa thuận với Ronaldo sẽ được tôn trọng. Perez không muốn nhiệm kỳ của mình chứng kiến Barca có Ronaldo-Messi trong đội hình, và ông cần Ronaldo để làm viên gạch đầu tiên cho kỷ nguyên Galacticos 2.0 của mình. Alex Ferguson thì đánh giá, mua Ronaldo là lời khẳng định có tính chính trị: “Chúng tôi là Real Madrid”.

Khi Ronaldo đang tận hưởng kỳ nghỉ hè tại California thì Mendes gọi điện và thông báo: vụ chuyển nhượng đã hoàn tất, anh sẽ đến Real Madrid, nhận lương cao nhất thế giới, và điều khoản giải phóng hợp đồng trị giá 1 tỷ Euro. Ước mơ đã thành sự thật. Nhưng Ronaldo sẽ phải chiến đấu không chỉ với Messi, với Barcelona, với các hậu vệ La Liga, với những tiếng la ó trên khán đài. Ronaldo còn phải chiến đấu với một kẻ thù vô hình là tình cảm của Florentino Perez. Và đó là lý do sâu xa cho câu chuyện 9 năm hạnh phúc mà cũng đầy đa đoan của họ.

Hôm nay chúng ta biết một sự thật, Ronaldo không phải là bản hợp đồng thật sự do Perez ký kết, mà đó là Calderon. Perez rất yêu các Galacticos của mình, nhưng phải là những người mà ông mang về. Trước khi ký với Benzema, ông đã đến thăm nhà tiền đạo người Pháp. Trước khi thông báo về Zidane, ông đã ý nhị gửi cho anh một lá thư trên tờ giấy ăn. Trong nhiệm kỳ 2, ông tự hào với Kaka, với Benzema và không giấu diếm việc cho Gareth Bale lên thay vị trí của Ronaldo. Trong những tháng cuối cùng của Ronaldo ở Bernabeu, anh chứng kiến chủ tịch Perez dành nhiều lời đề nghị hơn đến Neymar, đến Mbappe, và giảm giá trị phá vỡ hợp đồng của anh xuống 100 triệu euro. Ronaldo coi đó là một sự thiếu tôn trọng. Sau tất cả, chưa bao giờ Ronaldo có thể bước chân vào danh sách “những người con” của Perez. Quốc tịch Bồ Đào Nha, mối quan hệ lịch sử với Tây Ban Nha cũng có thể là một phần cho khoảng cách ấy. Sự chuyên nghiệp và tình yêu, sự miễn cưỡng và tôn trọng, Perez và Ronaldo giống như 2 đường ray trên chiếc tàu hỏa Real Madrid. Cùng chở vinh quang, nhưng mãi mãi không thể gặp nhau ở trái tim mỗi người. Tất cả những người con của Perez đều có thể mắc sai lầm, đều có thể xuống phong độ. Nhưng Ronaldo không được phép mắc sai lầm, không được phép xuống phong độ. Ngày rời Real Madrid, Ronaldo đã ghi số bàn thắng nhiều hơn số trận khoác áo, 450 bàn trong 438 trận, giành thêm 4 Quả Bóng Vàng, 4 Champions League.

Đấy là lý do anh đã chọn Juventus, vì họ đã vỗ tay cho bàn thắng của anh vào lưới Buffon tại Champions League 2017/2018. Và đó là lý do hôm nay anh quay lại Manchester United, nơi có những gã tình si yêu anh không hối hận. Cũng như lời anh nói trong một ngày rất xa “Ở Machester có những cổ động viên nồng nhiệt, và cho tôi một cảm giác của tình yêu chưa bao giờ ở nơi nào có được.”

 ON Sports