NỘI DUNG: HÀ MY / ĐỒ HỌA: Z.K

30 năm gắn bó với nghiệp cầm quân, Carlo Ancelotti vẫn chưa hề có dấu hiệu bị đào thải. Ngay cả trong những ngày đầu tiên khi còn phải làm việc dưới cái bóng của người thầy Arrigo Sacchi, "Carletto" cũng đã rất biết cách để lại dấu ấn. Giờ đây, ông đã không còn trẻ nữa (62 tuổi), và đang cùng với Ralf Rangnick (63) là những HLV duy nhất thuộc lứa U70 góp mặt tại vòng loại trực tiếp Champions League.

Và khác với phong cách quá đặc trưng của đồng nghiệp người Đức, di sản của Ancelotti qua 10 đội bóng ông từng dẫn dắt không dễ để cụ thể hóa thành lời. Sở dĩ như vậy bởi bản thân ông thường xuyên thay đổi, kể từ những bước chân chập chững đầu tiên trong nghiệp huấn luyện sau khi treo giày năm 1992 cho đến lần tái ngộ chủ tịch Florentino Perez hè năm ngoái.

Là linh hồn và động cơ của cỗ máy Milan trong tay Sacchi kể từ khi rời AS Roma năm 1987, bất chấp những rắc rối liên quan tới cái đầu gối của mình, Ancelotti vẫn được ông thầy vô cùng ưu ái. Bộ đôi này đã cùng nhau vô địch cúp C1 châu Âu 2 năm liên tiếp, 1989 và 1990, và họ tiếp tục cộng tác cho đến năm 1995, khi cùng nhau dẫn dắt ĐTQG Italia. Trong vai trò trợ lý, Ancelotti đã trải qua trận chung kết World Cup 1994 thua Brazil (hòa 0-0, thua 2-3 sau loạt luân lưu), một bản hùng ca bi tráng với những giọt nước mắt của Roberto Baggio, một tài năng phi thường nhưng lại có mâu thuẫn không thể hàn gắn với vị HLV vĩ đại của mình.

Là một người giàu nguyên tắc, Sacchi luôn trung thành với sơ đồ 4-4-2, nơi không có chỗ cho vị trí số 10 cổ điển, điều từng khiến Baggio nổi đóa. Vốn là học trò của Sacchi, Ancelotti cũng đã chọn 4-4-2 làm kim chỉ nam ở Reggiana (1995-1996) và đặc biệt là Parma (1996-1998). Cũng vì thế mà ông đã bỏ qua cơ hội ký hợp đồng với Baggio, điều mà sau này ông phải thừa nhận là sai lầm.

Khi tới Juventus, để tránh xung đột với siêu sao Zinedine Zidane ở Juventus năm 1999, một số 10 cổ điển mới giành danh hiệu Quả bóng Vàng, Ancelotti đã có cú lột xác đầu tiên.

Bỏ lại sau lưng sơ đồ 4-4-2, Ancelotti chuyển sang dùng hệ thống 3 trung vệ giống như Marcello Lippi trước đó, với Zidane sắm vai nhạc trưởng còn Alessandro Del Piero đá vị trí số 9.

“Tôi tin rằng điều quan trọng là phải đặt các cầu thủ vào vị trí yêu thích của họ”, Carletto nói năm 2015 trong một cuộc phỏng vấn. “Ngày mới bước vào nghiệp huấn luyện, tôi tâm niệm mình sẽ không bao giờ thay đổi hệ thống chiến thuật ưa thích, kể cả khi phải đặt các cầu thủ vào vị trí họ không sở trường. Nhưng người đã khiến tôi thay đổi quan điểm là Zidane. Tôi là ai mà đi bắt Zidane phải thích nghi với kế hoạch của mình? Không, tôi mới là người phải thích nghi với Zidane, bởi ở Juve cậu ấy là quan trọng nhất”.

Dù sự nghiệp không thiếu những thất bại, điểm đáng ngưỡng mộ ở Ancelotti là ông luôn biết cách đứng dậy từ sai lầm. Sau thất bại với mục tiêu giành Scudetto ở Parma năm 1997 và ở Juventus năm 2000 và 2001, ông trở lại Milan vào tháng 11/2001, trong tay là một tập thể đầy rẫy ngôi sao được chủ tịch Silvio Berlusconi “sưu tập”, đáng chú ý là rất nhiều trong số đó chơi trong vai trò “số 10”. Rui Costa, Clarence Seedorf, Ricardo Kaka, Rivaldo, Leonardo, Ronaldinho, Andrea Pirlo... Nhưng làm sao để kết hợp tất cả họ vào cùng một hệ thống?

Ở đây, khả năng đối thoại một cách thân mật với những cầu thủ ngôi sao của Ancelotti được phát huy đến cực điểm. “Chính Pirlo là người gợi ý tôi xếp cậu ấy đá tiền vệ phòng ngự”, HLV người Italia nhớ lại. “Cậu ấy thích vai trò chỉ huy dàn nhạc, vì vậy chúng tôi đã thử”.

Không phải mẫu cầu thủ mạnh mẽ về thể chất, cũng giống như Pep Guardiola của 10 năm trước đó và Sergio Busquets của 10 năm sau, Pirlo vẫn thành công ở vị trí phía trước bộ đôi trung vệ, tạo điều kiện cho Ancelotti bố trí Seedorf và Kaka hoặc Rui Costa chơi phía sau 2 tiền đạo. Một Milan tưởng như thừa mứa tài năng sáng tạo đã được xếp đặt một cách nhất quán trong tập thể, hoàn toàn khác với “Dải Thiên hà” Real Madrid của Florentino Perez.

Milan là đội bóng đầu tiên Ancelotti gắn bó lâu dài. Ông dẫn dắt Rossoneri từ năm 2001 đến 2009, trong một giai đoạn mà CLB này gây ấn tượng cực lớn ở cúp châu Âu. Bí quyết rất rõ ràng: giành được niềm tin tuyệt đối từ các cầu thủ, và luôn làm vừa lòng ban lãnh đạo. Berlusconi và Adriano Galliani, phó chủ tịch CLB, đòi hỏi lối chơi đẹp song song cùng thành tích. Ancelotti đã thỏa mãn được họ. Milan giành quyền dự 3 trận chung kết Champions League (2003, 2005 và 2007), vô địch 2 trong số đó. Đội bóng của ông đã có những màn trình diễn làm khuynh đảo châu Âu, với một đội hình gần như hoàn thiện: hàng thủ được xây dựng chắc chắn, hàng tiền vệ đầy ngôi sao và những tiền đạo sắc bén.

Thành công ở Milan của Ancelotti gắn liền với phát kiến vĩ đại của ông, sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, hay còn gọi là sơ đồ cây thông. Đây là biến thể của sơ đồ 4-3-3 với 2 tiền vệ kiến thiết đá phía sau tiền đạo duy nhất, một phương án để giải quyết tình trạng “thừa” vị trí số 10. Thành công của nó đã được lịch sử chứng minh. Nó đồng thời cũng là cột mốc đánh dấu bước thay đổi lớn đầu tiên của Ancelotti để thích nghi với hoàn cảnh, điều mà ông đã liên tục làm trong những năm tháng sau đó để duy trì thành công đến tận ngày hôm nay.

Ancelotti luôn rất giỏi trong công tác chuẩn bị cho trận đấu, điều ông từng nhiều lần chứng minh ở cúp châu Âu, đặc biệt là 2 màn chạm trán Pep Guardiola năm 2014 tại bán kết Champions League, nơi Real Madrid đã vượt qua Bayern Munich nhờ khả năng phản công siêu việt. Đây cũng là lối chơi ông tiếp tục theo đuổi ở PSG.

Từ năm 2013 tới 2015 là những ngày tháng tuyệt đẹp của Carletto ở Real, trước khi ông bị sa thải để nhường chỗ cho Rafael Benitez. Ông giúp đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha giành chức vô địch C1/Champions League thứ 10 năm 2014, vào tới bán kết giải đấu ở mùa bóng tiếp theo, và đứng thứ 2 tại La Liga với chỉ 2 điểm kém Barcelona của Luis Enrique với tam tấu MSN huyền thoại. Trong tay Ancelotti cũng có một bộ ba siêu đẳng ở giữa sân, Kroos Kroos-Isco-Modric kế tục cho bộ ba Xabi Alonso, Di Maria và Modric trước đó.

Cũng ở Real Madrid, Ancelotti đã tái hiện phần nào hình hài Barca của Guardiola trước đây. Sơ đồ 4-3-3 của ông sẽ trở thành 4-4-2 khi phòng ngự, với Ronaldo được cắm ở vị trí cao nhất và không thường xuyên lui về hỗ trợ. “Không hề có một phong cách cụ thể của Ancelotti, bởi tôi xây dựng từng trận đấu theo những cầu thủ mình có”, Ancelotti trả lời phỏng vấn tờ France Football năm 2018. “Đa số HLV lên ý tưởng từ trước và đòi hỏi cầu thủ thích nghi với nó. Nhưng tôi thì nhìn vào cầu thủ và biến đổi phong cách cho hợp với họ”.

Tương tự như ở kỷ nguyên Milan, điều Ancelotti đã tạo ra được ở thủ đô Tây Ban Nha là một sự hài hòa giữa cân bằng chiến thuật với số đông cầu thủ sáng tạo mà ông có.

Đầu năm 2012, Ancelotti trong vị thế là HLV hàng đầu thế giới được bổ nhiệm cho dự án đầy hứa hẹn của PSG. Khó tìm ra một cái tên lý tưởng hơn cho CLB mới được những ông chủ Qatar tiếp quản thời điểm đó. Cựu tiền vệ của Milan vĩ đại là một người Ý lịch thiệp, luôn biết lắng nghe và đầy khiêm tốn dẫu cho ông sở hữu bảng thành tích vô cùng đồ sộ. Đáng tiếc, mối liên kết đầy tham vọng đã bị phá vỡ sau không đầy 18 tháng do sự mâu thuẫn giữa Carletto với giám đốc thể thao Leonardo và chủ tịch Nasser al-Khelaïfi.

Trận thua Montpellier vào tháng 5/2012 không gây ra tác hại nào nghiêm trọng, trong bối cảnh Ancelotti mới dẫn dắt CLB được nửa mùa bóng, nhưng nó vẫn khiến các ông chủ không hài lòng. Bất chấp cuối mùa giải, PSG đã lọt vào tới tứ kết Champions League, chỉ chịu thua Barca vì luật bàn thắng sân khách và lần đầu vô địch quốc gia kể từ năm 1994, mâu thuẫn vẫn nổ ra bởi sự thiếu kiên nhẫn của Al -Khelaïfi, vị chủ tịch trẻ chưa hề có kinh nghiệm nắm quyền tại một đội bóng lớn, và giám đốc Leonardo, người được cho là đang nhăm nhe ghế huấn luyện. Bầu không khí độc hại từ thượng tầng rốt cuộc đã khiến Ancelotti ngán ngẩm.

“Tôi tới Paris vì tin tưởng vào dự án của CLB”, Ancelotti cay đắng kể lại vào tháng 9/2013. “Sáu tháng đầu tiên như trăng mật vậy. Nhưng sau đó, các quan chức CLB đã thay đổi. Chúng tôi không còn chung ý tưởng về một dự án lâu dài, mà cái họ muốn là những chiến thắng ngay lập tức. Tôi đã đưa ra quyết định của mình sau thất bại ở Reims (0-1, ngày 2/3). Tôi không hiểu nổi. Khi ấy chúng tôi đang dẫn đầu Ligue 1, vừa thắng Valencia (2-1, lượt đi vòng 16 đội Champions League). Nhưng cách họ đối xử không cho tôi thấy niềm tin. Tôi đã nói với Leonardo rằng mình sẽ rời PSG sau khi mùa bóng khép lại”.

Một vài tháng trước đó, một vụ việc khác cũng đã khiến Ancelotti khó chịu. Ngày 1/12/2012, PSG hành quân đến Nice và nhận thất bại 1-2. Trận thua này đến sau 2 thất bại trong tháng 11 trước Saint-Étienne và Rennes, cùng tỷ số 1-2. Và BLĐ đã tìm gặp trực tiếp Ancelotti, 3 ngày trước cuộc đụng độ FC Porto ở vòng bảng Champions League – trận đấu quyết định tấm vé đi tiếp của PSG.

Trong cuộc họp, Ancelotti được giao tối hậu thư: Nếu thua, ông sẽ bị sa thải. Ông cười chua chát: “Thế nếu tôi thắng thì sao?”. Và quả thật PSG đã thắng. Ancelotti tại vị đến cuối mùa giải mà chẳng ai động được đến ông.

Thierry Princet, cựu điều phối viên thể thao và là người bạn rất thân thiết với chiến lược gia người Italia cho biết: “Kể cả khi không có mâu thuẫn với BLĐ, tôi biết Carlo vẫn sẽ ra đi. Anh ấy đã nhận được lời đề nghị từ Real và cũng đã quá đau khổ sau sự ra đi của giám đốc Nick Broad (tháng 1/2013 vì tai nạn giao thông). Anh ấy muốn một khởi đầu khác”.

Mâu thuẫn với Leonardo và Al-Khelaïfi đủ sâu sắc để Ancelotti không có gì phải do dự hay tiếc nuối. Một cựu thành viên CLB nhớ lại: “Carlo luôn lịch sự và có thái độ đúng mực. Nhưng anh ấy là người sống nội tâm và không thể hiện cảm xúc của mình quá nhiều”.

“Đừng quên rằng ông ấy đã tồn tại qua kỷ nguyên Berlusconi ở AC Milan, ông ấy có thừa kinh nghiệm nhờ vào những gì đã trải qua”, một cựu nhân viên PSG từng làm việc cho Ancelotti chia sẻ. “Carlo từng được Ricky Sogliano huấn luyện ở Parma, sau đó ông ấy quen biết Ariedo Braida và Adriano Galliani tại Milan cũng như Luciano Moggi ở Juventus. Ông ấy được trang bị một cách hoàn hảo để trở thành nhà phát triển một CLB lớn”.

Dù biết cách thỏa hiệp, Ancelotti không bao giờ đi ngược lại bản chất của mình, ngay cả khi điều đó khiến ông phải đối đầu với BLĐ. Bằng chứng là cách ông đối xử với Peguy Luyindula trong nửa đầu mùa giải 2012/13. BLĐ PSG muốn tống khứ bằng mọi giá tiền đạo này sau một cuộc xung đột công khai với CLB. “Ancelotti thông báo với tôi rằng ông ấy không thể xếp tôi thi đấu vì họ ra lệnh cho ông làm vậy”, Luyindula kể lại. “Ông ấy thường xuyên nói chuyện với tôi, hỏi han tôi trước mặt các đồng đội. Và khi biết tôi sẽ đến New York Red Bulls, ông ấy đã xếp tôi đá một trận đấu cúp với Marseille”.

Ở bất cứ đâu, Ancelotti luôn cống hiến hết khả năng của mình. Dưới sự lãnh đạo của ông, PSG tiến hành một cuộc cách mạng về cấu trúc, và may mắn là ông nhận được sự đồng thuận từ BLĐ, ngoại trừ việc khước từ mang về Marouane Fellaini.

“Tháng 1/2012, anh ấy đến đây lần đầu tiên và tuyên bố luôn với tôi rằng cần phải có một nhà ăn cho các cầu thủ ở ngay Camp des Loges”, Princet nhớ lại. Từ đó, Ancelotti được đảm bảo rằng các cầu thủ của ông sẽ ăn uống chung, củng cố tinh thần tập thể cũng như tuyệt đối tuân thủ chế độ dinh dưỡng. Ông đồng thời mang đến sự thay đổi lớn về chuyên môn. Một bể cát lớn được lắp đặt trên sân tập để phục hồi chức năng cho những cầu thủ chấn thương, một gò đất được đắp lên để rèn luyện thể chất, các mái vòm được gắn thiết bị sưởi ấm vào mùa đông để đảm bảo chế độ tập luyện giữa thời tiết tuyết và sương giá.

Trong kỳ nghỉ đông, các cầu thủ cũng được khuyến khích đưa vợ con và gia đình cùng đến Qatar tập huấn, giai đoạn từ ngày 28/12/2012 đến 3/1/2013.

“PSG đã hối hận vì để ông ấy ra đi. Và càng đáng xấu hổ hơn khi trong mùa bóng tiếp theo ông ấy giành chức vô địch Champions League”, một cựu thành viên PSG cho biết.

“Khi trở lại PSG trên cương vị HLV trưởng Bayern Munich, chúng tôi đã được mọi người ở PSG, từ Nasser cho tới các cầu thủ chào đón rất nồng nhiệt”, Giovanni Mauri, người bạn và là cựu HLV thể lực trong đội ngũ của Ancelotti nhớ lại.

Không phải lần nào Ancelotti cũng làm chủ được vận mệnh của mình như ở PSG, đặc biệt là trong những năm gần đây. Sau khi chia tay PSG, chiến lược gia người Ý đã ngồi lên chiếc ghế đầy áp lực ở thủ đô Tây Ban Nha trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ông thành công ngay ở mùa giải đầu tiên với chức vô địch Champions League định danh La Decima, nhưng bị sa thải chỉ 1 năm sau đó vì bị Juventus loại ở bán kết đấu trường này, cũng như thất bại tại La Liga trước Barcelona và tại Cúp Nhà vua trước Atletico Madrid.

Sau 1 năm nghỉ ngơi, năm 2016, Ancelotti được bổ nhiệm làm HLV trưởng Bayern Munich. Ông giúp CLB xứ Bavaria giành Bundesliga và Siêu cúp Đức ngay mùa bóng đầu tiên, nhưng rồi nhanh chóng bị sa thải ở mùa giải tiếp theo sau thất bại nặng nề trước PSG ở vòng bảng Champions League (thua 0-3, ngày 27/9/2017). Thực chất trận thua này chỉ là giọt nước tràn ly. Từ trước đó, mối quan hệ của ông với BLĐ đã xấu đi trông thấy. Ông bị ghét vì bổ nhiệm con trai Davide vào ban huấn luyện còn con rể Mino Fulco vào bếp ăn của Bayern.

Ancelotti tiếp tục chương mới trong sự nghiệp vào tháng 5/2018 khi ông ký hợp đồng với Napoli. Một lần nữa, Ancelotti khởi đầu tuyệt đẹp với vị trí thứ nhì chỉ sau nhà vô địch Juve. Nhưng rồi xung đột với vị chủ tịch quyền lực Aurelio De Laurentiis đã khiến Carletto không thể giữ ghế lâu. Ông chia tay thành phố miền nam nước Ý vào tháng 12/2019.

Sau đó, ông dẫn dắt Everton từ tháng 12/2019 trước khi trở lại Madrid vào ngày 1/6/2021. Theo thỏa thuận giữa đôi bên, ông đã được The Toffees giải phóng hợp đồng để trở lại ghế nóng ở Real Madrid.

Giỏi về chuyên môn, giỏi chiều lòng ông chủ, nhưng điểm mạnh nhất của Ancelotti lại là khả năng thu phục nhân tâm ở mọi nơi ông đi qua.

Trong thời gian một năm rưỡi ở Paris, từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2013, Ancelotti cho thấy mình vừa đầy tính nhân văn nhưng cũng không kém phần hài hước. Chỉ vài ngày sau khi ra mắt CLB, ông đã có được bản hợp đồng đầu tiên mang tên Thiago Motta. Motta, một cựu cầu thủ Inter và một Interista chính cống, sẽ phải làm việc dưới trướng một “Milanista” vĩ đại.

Đôi bên hẹn ăn tối tại một nhà hàng ở Paris, thời điểm Motta chỉ vừa hạ cánh sau chuyến bay từ Milan. Anh mặc một chiếc quần jeans rách đầu gối, rộng bụng, làm lộ một phần quần lót. Motta ngồi xuống bàn cùng người đại diện, đối diện là Ancelotti và Leonardo đang đợi sẵn. Rất bình thản, Ancelotti quay ra hỏi Leonardo: “Leo, cậu bảo tôi rằng Thiago đã ký hợp đồng với PSG rồi đúng không?”. Chưa hiểu mô tê gì, Leonardo ngẩn ngơ trả lời: “Chính xác”. Ancelotti tiếp tục: “Thế thì Thiago, cậu có thể đi mua một cái quần jeans mới được rồi”. Motta ngạc nhiên và cười. Chỉ trong vòng 2 phút, “Milanista” đã cảm hoá được “Interista”.

Sự gần gũi với các cầu thủ là năng lực bẩm sinh của chiến lược gia người Ý. Olivier Létang, trợ lý của Leonardo tại PSG cho biết: “Carlo có mối quan hệ khăng khít với bất kỳ ai. Anh ấy bao dung, chân thành, cảm thông, truyền cảm hứng cho sự tự tin. Đó là vị HLV khiến tôi ấn tượng nhất ở góc độ thu phục nhân tâm”.

Năm 2013, Ancelotti được Casemiro mời đến dự đám cưới ở Brazil mặc dù tiền vệ này đã biết rằng anh sẽ bị đem cho Porto mượn. Tại PSG, các cầu thủ cũng hiếm khi bù khú mà thiếu Carletto. Hai ngày trước một trận đấu ở Ligue 1, Motta, Ibra, Javier Pastore, Ezequiel Lavezzi, Maxwell và Marco Verratti cùng nhau dùng bữa tại nhà hàng. Sau khi nốc cạn mỗi người vài chai vang, đến khoảng 1 giờ đêm, Lavezzi bấm số gọi Ancelotti. Chỉ 10 phút sau, Ancelotti có mặt, ngồi nhâm nhi cà phê cùng các học trò. Ông rời tiệc trước, không quên dặn dò các cầu thủ đừng làm điều gì quá khích. Trận đấu tiếp theo, PSG thắng 4-0.

Hè năm 2012, trong giai đoạn tập huấn đầu mùa giải cùng PSG trên đất Áo, Ancelotti cho đội nghỉ 1 ngày và du lịch đến Hungary, không quá xa khách sạn. Trên đường về, xe buýt dừng ở biên giới, nơi Ancelotti đã đặt trước một nhà hàng. Ông bố trí bàn riêng cho từng nhóm hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo và nhân viên. Kết thúc bữa ăn, ông đứng dậy, cầm micro thông báo: “Tôi chắc rằng tất cả các bạn đều biết ít nhất một bài hát. Giờ thì mỗi bàn sẽ hát một bài, và các khách hàng khác trong nhà hàng sẽ bình chọn người xuất sắc nhất”. Bầu không khí trở nên như lễ hội, tất cả mọi người đều tham gia, nốc bia như nước lã. Nhưng hôm sau, tất cả đều đến tập đúng giờ, với cường độ được đảm bảo.

Carlo Ancelotti biết phải làm thế nào để khiến các cầu thủ của ông tin rằng họ là số một, rằng ông sẽ không đánh đổi họ để lấy bất kỳ siêu sao nào. Khi còn ở PSG, ông từng nhắc đi nhắc lại rằng Ibra xứng đáng nhận Quả bóng Vàng; rằng sẽ đưa Blaise Matuidi đi cùng tới bất cứ đâu; rằng chẳng còn lời ngợi khen nào xứng đáng với Verratti. Ở Madrid, ông khẳng định CR7 là cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh; Raphaël Varane không có đối thủ xứng tầm ở vị trí trung vệ; và cũng không quên khen ngợi cả Karim Benzema.

Ancelotti chân thành yêu các cầu thủ của mình, và bởi thế họ cũng yêu mến ông. Matuidi xác nhận: “Chúng tôi yêu ông ấy vì ông ấy luôn quan tâm đến từng người. Không một cầu thủ nào, kể cả những người hiếm khi được ra sân, phản đối ông ấy. Khi đến bữa tiệc nướng chúng tôi tổ chức, ông ấy đối xử với những cầu thủ dự bị cũng bình đẳng như với các ngôi sao”.

Sylvain Armand nói thêm: “Ông ấy là một nhà quản lý phi thường. Tôi chưa bao giờ thấy một HLV nào có thể khiến một cầu thủ không được điền tên tham dự một trận đấu cười như nắc nẻ trong buổi tập ngày hôm sau. Tôi còn nhớ, sau trận giao hữu đầu tiên ông ấy dẫn dắt ở Dubai vào tháng 1/2012, trận gặp AC Milan, các cầu thủ đội bạn đã mò vào phòng thay đồ của chúng tôi, véo má, xoa đầu, kéo cà vạt của ông ấy. Tôi kiểu: ‘Ồ, họ chẳng hề tôn trọng ông ta!’. Thực tế là, họ không chỉ tôn trọng mà họ còn yêu ông ấy”.

Ngoại trừ Bayern, Ancelotti đã ghi dấu ấn sâu đậm với mọi cầu thủ dưới trướng ông, từ Milan đến Everton, qua Chelsea, Paris và Napoli. Duy nhất một lần ở PSG, Ancelotti nổi giận. Armand kể lại: “Ông ấy phát điên với Ibra sau trận đấu với Troyes, khi cậu ta hét vào mặt chúng tôi rằng: Những đứa con 5 tuổi của cậu ta đá bóng còn hay hơn chúng tôi, thậm chí còn xé áo đấu phẫn nộ. Carlo đỏ bừng mặt, bảo: Zlatan, câm đi! Rồi yêu cầu cậu ấy rời khỏi phòng thay đồ. Ibra làm theo. Chỉ 3 phút sau, Carlo đến gặp riêng cậu ta, bằng cách quỷ quái nào đó, Zlatan đã tới trước chúng tôi và xin lỗi. Carlo sau đó nói, việc Ibra xin lỗi xứng đáng được thưởng một tràng vỗ tay, và chúng tôi đã làm thế. Đôi bên đều thoải mái”.

Nhiều năm trôi qua, Ancelotti vẫn không thay đổi phương pháp quản lý của mình, xuất phát từ sự hài hước và bao dung. Abdoulaye Doucouré, học trò của ông ở Everton trong mùa giải 2020/21, xác nhận: “Ông ấy là HLV giàu tình người nhất tôi từng biết. Ông ấy cũng vô cùng trung thực. Ngày tôi gia nhập CLB, ông ấy nói thẳng là từng không muốn có tôi, nhưng BLĐ đã thuyết phục được ông ấy”.

Cũng như Motta, Doucouré nhanh chóng bị Ancelotti “quyến rũ”: “Ngày đầu tiên tập luyện của tôi diễn ra ngay trước một trận đấu. Carlo đến gặp tôi và nói: Vậy, Abdou, cậu có muốn được ra sân vào ngày mai không? Tôi nói có, tất nhiên. Ông ấy chế giễu: Hãy xem cậu tập có tốt không nhé, rồi cười lớn và bỏ đi. Tôi biết rằng mình sẽ được ra sân, và không muốn làm ông ấy thất vọng”.

Doucouré cũng có kỷ niệm đẹp về bữa tối kiểu Anh đầu tiên: “Carlo đã mời chúng tôi ăn tối tại nhà hàng, tôi, Allan và James (Rodriguez), ba tân binh, cùng với các đại diện của chúng tôi. Chúng tôi đã trải qua một bữa tối ấm cúng, thoải mái, nói đủ thứ chuyện, cả về bóng đá lẫn cuộc sống, đến tận 1, 2 giờ sáng. Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì tương tự trong suốt sự nghiệp”.

Một cái tài nữa của Ancelotti là khiến các cầu thủ vẫn cảm thấy ổn kể cả khi tình hình đang tồi tệ. “Đôi khi tôi chơi tệ và cảm thấy thất vọng. Ông ấy đọc được điều đó trên gương mặt tôi. Vì vậy, trên sân tập, ông ấy đến gần tôi và nói: Cậu đã chơi tốt mà, Abdou. Tôi biết điều đó là nhảm nhí, nhưng ông ấy khiến tôi tin điều đó bằng cách nhìn thẳng vào mắt tôi và khẳng định: Cậu đã làm đúng những gì tôi yêu cầu. Ông ấy luôn muốn bạn ở trạng thái tâm lý tích cực, luôn vui vẻ với công việc của mình”.

Matuidi nhớ lại mùa giải thứ hai, khi anh chứng kiến ​​hàng loạt ngôi sao cập bến PSG: “Carlo thấy tôi ít cười hơn. Ông ấy kéo tôi ra một góc và thuyết phục rằng nếu tôi vẫn chơi tốt, ông ấy chẳng có lý do gì để loại bỏ tôi, rằng chẳng có vấn đề gì cả. Ông ấy trấn an tôi, giải phóng cho tôi. Đó là một trong số những người đã giúp tôi hoàn thiện kỹ năng chơi bóng".

Nếu như BLĐ PSG có tầm nhìn xa hơn một chút, rất có thể Ancelotti đã có đủ thời gian để thay đổi số phận đội bóng thủ đô nước Pháp. Trong một tập thể đầy rẫy những ngôi sao và những cái tôi lừng lững, người ta phải tự hỏi rằng, liệu ngoài Carletto, còn ai khác đủ khả năng mang vinh quang về cho Parc des Princes hay không.

 VTVcab