NỘI DUNG: DŨNG PHAN / ĐỒ HỌA: Z.K

Cristiano Ronaldo hạ cánh đến MU vào một buổi chiều tháng 8, khi Paul Pogba cũng chỉ còn một năm nữa là hết hạn hợp đồng. Những gì tiếp theo sẽ đến với tiền vệ người Pháp là câu hỏi chúng ta sẽ cùng nhau trả lời. Tuy nhiên, khi nhìn lại hành trình đã qua, sẽ có người hỏi Pogba rằng “bao năm qua, anh làm gì và được gì tại MU?”

Ronaldo đã đi một hành trình rất dài sau 12 năm để trở lại Old Trafford. 12 năm rong ruổi ấy và 6 năm trước đó tỏa sáng tại MU, những gì mà CR7 tạo dựng là 2 từ “kỳ vĩ”. MU đã bán Ronaldo để thu về cái giá kỷ lục thời điểm năm 2009 là 80 triệu bảng. Còn Paul Pogba đã khiến MU phải bỏ ra một số tiền khủng khiếp lên tới 89 triệu bảng để đưa anh trở lại Old Trafford. Thế nhưng, điều MU nhận được không phải là một Ronaldo mới sẽ dẫn dắt họ đến các vinh quang, mà chỉ là một cầu thủ được thừa nhận về đẳng cấp, nhưng không được thừa nhận về thái độ. Có lẽ tất cả chúng ta đều biết về một bài học thành công có tên “Thái độ hơn trình độ”. Trong biểu đồ đánh giá nhân sự, kiến thức chỉ chiếm 4%, kỹ năng 26%, còn thái độ chiếm tới 70%. Câu chuyện của Paul Pogba là nằm ở bài học ấy.

Vào năm 2016, khi quyết định bảo ra số tiền điên rồ 89 triệu bảng cho Pogba, bên cạnh cái gọi là đẳng cấp đã được thừa nhận ở Juventus, thì MU có căn cứ thương mại cho việc vung tiền này. SportsPro khi đó đã xếp Pogba ở vị trí thứ hai trong danh sách các vận động viên có tiềm năng thương mại lớn nhất trong ba năm tới. Họ đã xếp anh trên cả những Messi, Novak Djokovic, Ronaldo hay Usain Bolt. Điều mà BLĐ Quỷ Đỏ cần để bảng xếp hạng trên thành sự thật chính là sự cầu tiến và nghị lực hoàn thiện của chàng trai này.

Kết quả thì tất cả chúng ta đều đã biết, Pogba sáng nắng chiều mưa, thái độ ỏng ẹo, trận hay thì thật là hay, mà dở thì thật là dở, khi là ngôi sao sáng chói để cả tập thể nhìn vào, lúc bị giam cầm trên ghế dự bị đển mỏi mòn. Lúc tưởng như sẽ là ông chủ mới của sân Old Trafford, rồi hóa ra lại thành nhân tố chính gây náo loạn trong phòng thay đồ khiến Jose Mourinho phải ra đi. Thống kê của mùa giải 2019/2020 đã nói lên tất cả về một sự lãng phí, cũng như một nỗi thất vọng lớn cho bản hợp đồng này, nguyên cả mùa giải đó, Pogba chỉ ra sân 16 trận, ghi 1 bàn thắng và có 3 kiến tạo tại Premier League. Đấy không phải là thống kê của một thiên sứ cứu giá để vực dậy MU thời kỳ đỉnh cao như kỳ vọng mua về, đấy là thống kê của một “quả tạ” nặng 89 triệu bảng.

Pogba có hiểu điều ấy không? Có, anh rất hiểu là đẳng khác. Nhưng cách Pogba làm không phải theo hướng chuyên nghiệp, mà ngược lại, anh biến MU thành con tin trong sự đỏng đảnh của mình. Có thể ví von suốt 5 năm qua, MU hệt một gã đàn ông si tình, còn Pogba là người tình đa đoan của gã đàn ông ấy. Pogba thích “đánh lưới”, còn MU thì không biết bấu víu vào đâu. Oái ăm thay, đây là trận chiến mà cả hai cùng thua cuộc. Dẫu cho Sir Alex Ferguson đã nghỉ hưu được 8 năm, MU lạc lối trong thất bại, đội bóng vật vờ trong việc xây dựng một biểu tượng mới cho sân Old Trafford. Còn Pogba? Sau nửa thập kỷ chinh chiến tại xứ sương mù, cái mà Pogba đem về cho bản thân chỉ là một chiếc cúp Liên Đoàn, một chiếc cúp Europa League khi ở dưới trướng người thầy mà anh gián tiếp đuổi đi (Jose Mourinho), và chẳng có một danh hiệu cá nhân cao quý nào. Nếu Pogba tài năng như phân tích của các nhà chuyên môn, thì Pogba cần tự hỏi bao năm qua anh làm gì và được gì? Đừng tự hào khi bạn nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi vì sao bạn giỏi mà vẫn nghèo!

Để nhấn mạnh thêm điều ấy ta hãy so sánh với chính Cristiano Ronaldo. Pogba đến với MU năm 23 tuổi, chỉ hơn 1 tuổi là lúc Cristiano Ronaldo rời MU qua Real Madrid. Cái mà Ronaldo đối diện thật ra cũng là cái mà Pogba đối diện: phục hưng một tên tuổi lớn. Khi Ronaldo sang Real, đội bóng hoàng gia Madrid đang rên xiết dưới gót giày tiqui-taca của Barcelona và Lionel Messi. CLB vĩ đại nhất thế kỷ 20 có 6 năm bị loại từ vòng 1/8 Champions League (tính cả mùa giải đầu tiên mà Ronaldo đặt chân đến Tây Ban Nha), đội bóng trắng tay trên mọi mặt trận, và trĩu nặng vì giấc mộng “La Decima” (chức vô địch châu Âu lần thứ 10). Gánh nặng mà Ronaldo phải mang trên vai là một tấn áp lực từ trong sân lẫn ngoài sân, từ cá nhân đến tập thể, từ những giông gió cuộc đời lẫn những cú triệt hạ của các hậu vệ tại La Liga. Vậy nhưng, bằng tài năng và sự kiêu hãnh của bản thân, bằng nỗ lực và tinh thần không đầu hàng, bằng tính chuyên nghiệp và thái độ cầu tiến, Ronaldo đã vượt qua tất cả, cùng Real Madrid giành 4 Champions League và 4 Quả Bóng Vàng cho cá nhân anh.

So sánh những kỳ tích khổng lồ ấy với chính Pogba ta mới thấy được khoảng cách vời vợi giữa hai bên. Đương nhiên không thể trách hoàn toàn Pogba, vì sự khác biệt to lớn của Real Madrid so với MU còn ở tập thể, chất lượng đội hình và BLĐ đội bóng. Nhưng xét trong lăng kính trách nhiệm của một hạt nhân phụng sự tập thể, thì Pogba chỉ ỏng ẻo quay lưng, trong khi Ronaldo là cắn răng chiến đấu. Nhiều người so sánh Pogba của MU và Pogba ở tuyển Pháp để luận rằng, vì các đồng đội tại CLB không ai đẳng cấp bằng anh nên mới sinh ra một Pogba khác biệt giữa CLB và đội tuyển quốc gia. Vậy thì hãy nhìn Ronaldo đi. Mesut Ozil là chân chuyền quan trọng nhất, đối tác hiểu Ronaldo rõ nhất, đã bị bán cho Arsenal bất chấp sự phẫn nộ của anh. Một năm sau, Angel Di Maria chung số phận tương tự. Sức ép của các cổ động viên ư? Xin đừng quên câu nói “Madridistas là những kẻ khó tính nhất thế giới”. Họ la ó Ronaldo khi anh không chơi tốt, họ tức giận khi anh không mang lại danh hiệu nào. Tóm lại ta có thể nói, Ronaldo tự thích nghi với hoàn cảnh, Pogba đổ lỗi cho hoàn cảnh.

12 năm sau ngày rời đi, 5 năm sau ngày Pogba đến, MU đã đón Ronaldo về bằng một quả bom chuyển nhượng như một bộ phim với cú plot twist cao trào, bằng cảnh trang chủ sập vì lượng truy cập quá tải, bằng một loạt sắc xanh trên thị trường chứng khoán, và rực sắc đỏ với hình ảnh trên mạng xã hội. Hóa ra 12 năm qua kể từ ngày Ronaldo rời bỏ Old Trafford, vị trí siêu sao số 1 của Ronaldo vẫn chỉ có cao lên chứ không hạ nhiệt, 5 năm Pogba ở đây vẫn không lay chuyển được nó, hay khiến người ta có thể nói câu “Cần/không cần nhân tố A vì đã có nhân tố B”. Đương nhiên nói qua cũng phải nói lại, chúng ta không thể so sánh một trong những cầu thủ có thể coi là vĩ đại nhất mọi thời đại, với một cầu thủ chỉ mới dừng ở cấp độ ngôi sao như Pogba. Vấn đề là Pogba hoàn toàn có thời gian để thu hẹp khoảng cách vời vợi này bằng thái độ của bản thân. Tuy nhiên, anh đã lãng phí 5 năm qua trong những “tấn trò đời” của mình và người đại diện Mino Raiola với BLĐ MU. Đấy là cái đáng buồn mà cũng đáng tiếc của một trong những cầu thủ được đánh giá là xuất sắc bậc nhất nước Anh thời điểm này. Câu hỏi “bao năm qua làm gì và được gì?” lại tiếp tục văng vẳng trong mỗi chúng ta.

Bây giờ, sự khó xử của Pogba tiếp tục tăng cao trong việc hiện diện của Ronaldo – người hơn anh về mọi mặt. Chiến thuật chê bai chất lượng đội hình của MU để từ lấy có thể viện cớ ra đi của Pogba và Raiola giờ đã tan tác như bong bóng xà phòng. Tập thể MU có lúc này là sự kết hợp của sức trẻ và kinh nghiệm, là chất lượng đầy đủ từ đẳng cấp Quả Bóng Vàng, nhà vô địch thế giới, đến những ngôi sao trẻ mới nổi. Chưa kể Varane – một đồng đội tin cẩn của Pogba tại Đội tuyển Pháp cũng đã có mặt. Nếu Pogba đánh giá hoàn cảnh, thì hoàn cảnh MU hiện tại đang cho Pogba được hạnh phúc. Bởi vậy, Pogba sẽ phải lựa chọn. Hoặc ký hợp đồng mới với MU, và dùng những đường chuyền giàu sức tưởng tượng của mình để chứng kiến các bước chạy không tuổi của Ronaldo sải trên Old Trafford. Hoặc đề đạt nguyện vọng ra đi một cách dứt khoát, gọn gàng để đội bóng tìm cách xây dựng lại tuyến giữa.

Tuy nhiên, xin nói thẳng là hoàn cảnh đã khác mấy năm trước, với những Cristiano Ronaldo, Raphael Varane, Sancho, Bruno… đang có hôm nay thì MU đã có vị thế khác. Đội hình có đủ sức hút chuyển nhượng để tìm ngôi sao mới thay Pogba, chứ không phải luẩn quẩn trong câu hỏi “con gà và quả trứng, cái gì có trước”, hay chuyện bị ép giá như mấy năm qua. Cũng cần nhắc thêm một điều quan trọng, bên cạnh các vấn đề về chuyên môn, thì quỹ lương của Quỷ Đỏ đã lại phình to đáng kể với việc mua thêm Ronaldo. Có nghĩa nếu chia tay Pogba, thì MU đã giảm tải được một phần áp lực tài chính. Còn về phía Real Madrid – điểm đến lý tưởng của Pogba thì sao? Lúc này tất cả nguồn lực của Real Madrid từ nhân lực đến vật lực trong mùa hè 2021 này đều đã được dồn vào canh bạc Kylian Mbappe. Họ không có thời gian để xao nhãng cho một thương vụ phức tạp với một gã đại diện lắm trò như Raiola.

Một bằng chứng cho thấy Real không thiết tha với Pogba, là việc họ đã tập trung gia hạn hợp đồng với bộ tứ tiền vệ Modric, Casemiro, Toni Kroos và mới nhất là Federico Valverde. Tức là gì đây? Đúng là Real cũng thích Pogba, nhưng họ để cho anh và Mino Raiola “tự sinh tự diệt”. Real không vội vàng mua Pogba hè này để dồn lực cho Mbappe, cũng không vồ vập Pogba hè này, để phải tốn tiền lót tay cho Raiola. Đương nhiên một con cáo già như Mino Raiola chẳng lẽ không đánh hơi được vấn đề đó. Vậy thì khi đã phân tích tình hình ra như vậy, sẽ giúp ta đi đến câu trả lời cuối cùng: điều tốt nhất cho thân chủ của Raiola trong tình hình mới chính là ở lại Old Trafford.

Có một câu nói rằng "It's never too late – never too late to start over, never too late to be happy”, nghĩa là “Không bao giờ là quá muộn - không bao giờ quá muộn để làm lại từ đầu, không bao giờ quá muộn để hạnh phúc.” 5 năm bỏ phí không có nghĩa tương lai vứt đi, tương lai Pogba phải xác định và cái tâm cũng cần xác định rõ ràng. Thành công nằm ở sự kiên định, nếu cái tâm Pogba cũng thay đổi như mái tóc anh thì câu chuyện rồi đây cũng chỉ là một vòng luẩn quẩn. Điều cần nhất không ở đôi chân, mà là sự toàn tâm toàn ý, hạnh phúc trong tâm tưởng. Khi hai bên cùng xây dựng một mối quan hệ “không bao giờ quá muộn để hạnh phúc”, thì MU sẽ có được Paul Pogba đích thực, một Pogba thăng hoa chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất. Còn Pogba sẽ có đươc các danh hiệu cao quý, vị thế xứng đáng với đẳng cấp đã được ghi nhận, chứ không phải ngoái đầu lại để tự hỏi “bao năm qua làm gì và được gì?”

 Bản quyền thuộc OnSports
Từ khóa: