Nội dung: Hà My / Đồ họa: Z.K

Premier League 2021/22 vẫn sẽ là cuộc chơi nội bộ của Big Six, nhóm 6 CLB lớn mạnh nhất nước Anh. Nhưng ngay cả trong Big Six cũng đang tồn tại hai thái cực rõ rệt: nhóm tiêu tiền xứng mác đại gia và nhóm chọn cách tin tưởng vào sức mạnh nội tại của đội bóng.

Đại dịch COVID-19 khiến thế giới lầm than, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và lẽ tất yếu bóng đá cũng bị tàn phá trầm trọng. Barcelona, Real Madrid, những đội bóng biểu tượng cho sự xa hoa lộng lẫy tột cùng của bóng đá, hiện nguyên hình là những con nợ ốm o, không còn khả năng tự chủ số phận mình. Tượng đài của một trong hai đội bóng ấy, Lionel Messi, phải ra đi trong nước mắt và cái nhìn bất lực của chủ tịch Joan Laporta cùng đám đông Cules. Camp Nou huyền ảo ngày nào giờ hoang vắng chẳng khác nào một bãi tha ma, với linh hồn Messi đã mất.

Real đỡ thê thảm hơn, nhưng cũng phải cắn răng chia tay bộ đôi trung vệ từng gắn với kỷ nguyên thống trị vô tiền khoáng hậu ở Champions League với 4 chức vô địch để ổn định tài chính. Không Sergio Ramos và không cả Raphael Varane, đội bóng xuất sắc nhất thế kỷ XX giờ chẳng khác nào căn biệt thự khổng lồ đã bị sập móng. Chiều ngược lại, HLV Carlo Ancelotti vẫn chưa được ban lãnh đạo Real chi cho một xu chuyển nhượng nào. Bản hợp đồng đáng chú ý duy nhất đến thời điểm này, David Alaba, cũng được đem về theo dạng tự do.

Giữa lúc ấy, Man City, MU và Chelsea dường như đến từ một thế giới khác, nơi tiền bạc là vĩnh cửu. Cách họ phá nát các kỷ lục chuyển nhượng như thể một cuộc dạo chơi trong hè 2021, thậm chí còn mạnh tay hơn thời điểm trước đại dịch, và đó chẳng khác nào sự xúc phạm đối với hai biểu tượng La Liga, những kẻ từng tự hào là chủ nhân những bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới.

Joan Laporta hay Florentino Perez, những người vốn đã quá quen với cuộc sống trên tiền nhờ những đồng euro… đi vay, hẳn đang cay cú vô cùng khi nhìn sang bên kia bờ Đại Tây Dương, nơi Man City phá kỷ lục chuyển nhượng nước Anh cho một cầu thủ chưa từng tham dự Champions League là Jack Grealish, MU mang về Jadon Sancho từ Borussia Dortmund với cái giá kinh khiếp 73 triệu bảng và thậm chí chính họ lấy đi Varane của Real, sau khi Ramos đã gia nhập Paris Saint-Germain.

Jack Grealish là bản hợp đồng kỷ lục của Premier League tính đến trước 13/8

Để bù đắp cho sự ra đi của tiền đạo Sergio Aguero, người đã gắn bó với sân Etihad suốt một thập kỷ, Man City có lý khi quyết mua Kane. Trong khi Grealish cũng sẽ gia tăng sự sáng tạo cho The Citizens khi mà nhạc trưởng Kevin De Bruyne đã có tuổi. Ở bên kia thành phố, MU nhiều năm nay chưa có ngôi sao nào xứng đáng trấn giữ vai trò chạy cánh phải, vị trí sẽ thuộc về Sancho mùa giải này.

Có thể thấy những sự bổ sung của hai nửa thành Manchester đều là để tăng cường trực tiếp những vị trí trọng yếu, nhưng quả thật số tiền họ bỏ ra cho mỗi tân binh khiến người nghe phải mắt chữ O, mồm chữ A, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tác động nghiêm trọng tới doanh thu các CLB.

Một biểu tượng tiền bạc khác của Premier League là Chelsea cũng không chịu ngồi yên khi đạp đổ niềm tự hào vừa được nhen nhóm trở lại của nhà vô địch Serie A Inter Milan bằng cách cuỗm mất tiền đạo thuộc dạng “không phải để bán” Romelu Lukaku. Thương vụ này như một minh họa đầy sống động cho câu nói nổi tiếng: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Và theo Thomas Tuchel, đội bóng của ông chưa dừng lại. Đây là kỳ chuyển nhượng đầu tiên của HLV người Đức ở Stamford Bridge, nơi mà mỗi vị HLV mới đến đều đòi hỏi phải được mua sắm đã đời để nhỡ có… bị sa thải thì cũng không phải nuối tiếc. Một thủ thành Marcus Bettinelli miễn phí và thêm cả Lukaku chắc chắn chưa làm nguôi cơn khát shopping của Tuchel.

Ngay cả với những CLB thuộc hạng giàu có nhất thế giới như Man City, Chelsea hay MU thì con số 100 triệu bảng cho một cầu thủ cũng vẫn là khổng lồ. Bởi vậy, trong một mùa hè mà The Citizens sẵn sàng chi ra khoảng 260 triệu bảng để đổi lấy 2 tân binh Jack Grealish và có thể là Harry Kane, MU đón Sancho cùng Varane với tổng chi phí 114 triệu bảng và Chelsea tái chiêu mộ Lukaku với giá 98 triệu bảng khiến không ít người đặt câu hỏi: Luật công bằng tài chính (Financial Fair Play - FFP) ở đâu?

Giữa bối cảnh thế giới bóng đá quay cuồng vì khủng hoảng kinh tế sau hơn một mùa giải các trận đấu diễn ra hoàn toàn trên những sân vận động không khán giả, không một đội bóng nào có thể vỗ ngực ta đây không bị ảnh hưởng. Thậm chí, HLV Guardiola từng bày tỏ sự lo ngại hồi tháng 4 về nguy cơ Man City của ông không được mua sắm:

“Khả năng cao là do tình hình kinh tế thế giới hiện tại, chúng tôi sẽ không thể mua tiền đạo mới trong mùa giải tới. Với mức giá các đối tác đang đưa ra, thật khó để có thể mang về chân sút nào. Điều đó là không thể, chúng tôi không thể mua được. Tất cả các câu lạc bộ đều gặp khó khăn về tài chính và chúng tôi không phải là ngoại lệ”.

Tuy nhiên, đó có vẻ chỉ là đòn gió của Pep, bởi theo chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire của Đại học Liverpool, Man City sẽ hoàn toàn thoải mái phá kỷ lục chuyển nhượng của Premier League tới 2 lần trong cùng một mùa hè 2021.

“Họ có thể dễ dàng mua được thêm Kane”, Maguire khẳng định. “Trước hết, từ khía cạnh tiền mặt, các ông chủ giàu có đã chuyển một số tiền lớn vào vốn chủ sở hữu của CLB để “chống lưng” cho bất kỳ phi vụ nào mà họ muốn”.

“Hình thức chuyển nhượng những ngày này thường là trả góp. Tôi không chắc con số trả trước là bao nhiêu, chắc khoảng 50%. Nó cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật Công bằng tài chính. Grealish đã ký hợp đồng 6 năm. Theo các quy tắc kế toán, bạn sẽ dàn trải chi phí trong 6 năm đó, tức là tính ra Man City chỉ mất khoảng 17 triệu bảng mỗi năm. Con số đó hoàn toàn không thành vấn đề với một đội bóng có tổng doanh thu lên tới 600 triệu bảng một năm như Man City”.

Man City có đủ lực và sự khôn ngoan để khuất phục mọi rào cản

Maguire cũng chỉ ra rằng doanh thu của The Citizens năm ngoái đã tăng vọt nhờ chức vô địch Premier League và việc lần đầu tiên lọt vào trận chung kết Champions League. Trong khi đó, chi phí tiền lương lại được cắt giảm đáng kể sau sự ra đi của tiền đạo Sergio Aguero, một trong những cầu thủ hưởng lương cao nhất đội.

Thường thì trong các thương vụ mua bán, truyền thông sẽ công bố tổng chi phí các đội bóng trả cho chuyển nhượng và tiền lương. Nhưng theo một chuyên gia tài chính như Maguire, cách đưa tin này làm bức tranh phần nào bị đánh giá sai. Để đánh giá chính xác hơn, bạn cần phải xem xét hiệu quả hoạt động kinh doanh dài hạn và quan trọng nhất là tình hình tiền mặt.

Mô hình của Man City và Chelsea là tận dụng nguồn tiền khổng lồ từ chủ sở hữu và những khoản đầu tư liên tục để giữ cho dòng tiền mặt luôn ổn định. Các khoản lỗ, chẳng hạn con số 124 triệu bảng mà CLB ghi nhận mùa 2019/20, có thể được ban lãnh đạo giải quyết ổn thỏa mà không cần vay tiền ngân hàng để trang trải các khoản chi.

Nếu muốn biết nguy cơ tiềm ẩn của việc lệ thuộc tiền vay ngân hàng, hãy nhìn vào tình hình tài chính bi đát của Barcelona và Real Madrid ngay khi dịch bệnh khiến các khán đài Camp Nou và Santiago Bernabeu không được phép đón cổ động viên vào sân. Và Barca vẫn đang… tiếp tục vay thêm để trang trải các khoản vay của họ.

Khi các đội bóng trên toàn thế phải vật lộn tìm đường ra trong cơn khủng hoảng do COVID-19 tạo nên, lợi thế của Man City và Chelsea thậm chí càng trở nên rõ ràng hơn.

Còn một nguyên nhân nữa dẫn tới sự mạnh bạo của Man City trên thị trường chuyển nhượng. Chelsea và Liverpool là hai CLB được giới chuyên môn đánh giá rất cao về khả năng cân bằng sổ sách thông qua các thương vụ mua bán cầu thủ thông minh, nhưng Man City thực ra cũng không hề kém cạnh về mặt này.

“Chi tiêu dài hạn của Man City chắc chắn là lớn, nhưng họ đã hòa vốn trong suốt nhiều năm trước khi nhận khoản lỗ đáng kể vào năm 2020”, Maguire cho biết. “Từ góc độ tài chính, Man City đã làm rất tốt việc bán cầu thủ. Điều này rất quan trọng bởi nếu được thực hiện đều đặn mỗi mùa hè, nó có thể cải thiện đáng kể lợi nhuận”.

“Khi bán một cầu thủ, bạn sẽ thu được tất cả lợi nhuận trong năm đó, nhưng khi mua một cầu thủ, bạn sẽ chia đều chi phí đó theo số năm trong hợp đồng”.

City đã thu về khoảng 36 triệu bảng nhờ việc bán các cầu thủ hầu như không có đóng góp gì cho đội một như Jack Harrison, Angelino và Lukas Nmecha trong mùa hè năm nay. Con số này đã thừa đủ để trang trải chi phí 17 triệu bảng họ bỏ ra cho Grealish. Đó là chưa kể 54 triệu bảng bán Leroy Sane vào năm ngoái, thương vụ không kịp tính vào mùa giải 2019/20, và số tiền đó dễ dàng giúp Man City tự tin chi tiếp hơn 100 triệu bảng cho Kane nếu muốn.

Xin đừng vì người viết phân chia hai nửa Big Six mà nhầm tưởng rằng Liverpool và Arsenal, Tottenham là những đội bóng nghèo. Làm gì có khái niệm “nghèo” tồn tại ở giải Ngoại hạng Anh, đừng nói đến 6 CLB “đỉnh của chóp” tại giải đấu này. Tiền bản quyền truyền hình ở Premier League là một sự khác biệt trời biển nếu đem so với các giải đấu khác, kể cả La Liga - nơi từng được xem là đối trọng của Premier League trước-đại-dịch.

Giờ thì như đã thấy, ngay cả Burnley, một CLB được xem là tồn tại “cho đủ mâm” ở Ngoại hạng Anh vốn hiếm khi tạo nên bước đột phá nào đáng kể, cũng đang chi nhiều tiền chuyển nhượng hơn cả… Barca lẫn Real Madrid cộng lại. Trận play-off Championship thăng hạng Ngoại hạng Anh được thế giới xưng tụng là “trận đấu đắt giá nhất hành tinh” và được quan tâm chẳng khác nào vòng đấu thứ 39 của Premier League, một vinh hạnh không bao giờ dành cho trận đấu đồng hạng của Liga Adelante.

Họ không nghèo, nhưng so với hầu bao không đáy của hai đại gia thành Manchester và Chelsea thì ngân sách chuyển nhượng của Liverpool, Arsenal hay Tottenham chỉ là con số lẻ. Đồng thời, dịch bệnh cũng khiến họ không thể mạnh tay chi tiêu như trước nữa, khi đằng sau không có một ông chủ tỷ phú chống lưng. Liverpool, Arsenal sau khi cắn răng bỏ ra những khoản tiền lớn để tậu các trung vệ chất lượng, xem ra đã gần cạn ngân khố, nâng lên đặt xuống mãi chưa dám chốt thêm tân binh nào, dù các mục tiêu như Saul, Jarrod Bowen hay James Maddison đã thu xếp xong hành lý từ lâu. Tottenham thì đang nửa muốn mua sắm, nửa chờ xem tương lai của Kane. Một khi bán được Kane, có lẽ Spurs mới dám dốc hầu bao.

Mới đây, HLV Jurgen Klopp đã phải lên tiếng trấn an sự lo lắng của cổ động viên Liverpool khi sau Ibrahima Konate, The Reds vẫn chưa mang về được thêm một tân binh nào trong khi Man City, MU và Chelsea điên cuồng nâng cấp vũ trang. Chiến lược gia người Đức nói:

“Đội vẫn đang nhòm ngó thị trường chuyển nhượng. Nhưng nếu không mua được ai, tôi vẫn rất vui với những con người đang có. Không phải cái gì bạn cũng mua được bằng tiền. Bạn mua thế nào được counter-pressing của tôi, mua sao được sân Anfield, cũng không đời nào mua được bài hát truyền thống chúng tôi vẫn hát trước mỗi trận đấu. Rất nhiều thứ không thể mua được, và đó là những thứ chúng tôi sẽ khai thác. Có những đội chọn đi đường khác, nhưng đây là cách chúng tôi vận hành. Tình thế mỗi đội mỗi khác”.

Konate là tân binh đáng chú ý nhất của Liverpool trong mùa hè 2021

Klopp một mặt an ủi fan Liverpool về kỳ mua sắm án binh bất động trong khi các đối thủ cứ phá hết kỷ lục mua sắm này tới cột mốc chuyển nhượng khác. Mặt khác, ông khẳng định lại quan điểm của CLB, dù là trước hay sau đại dịch COVID-19: Xây dựng thành công bằng “niềm tin” thay vì tiền bạc. Niềm tin vào lực lượng hiện tại, vào tài năng của Klopp, và vào chính sách chuyển nhượng của CLB. Với một CLB không có giới chủ siêu giàu như Chelsea, Man City và thương hiệu không hái ra tiền như MU thì đây là cách thành công duy nhất.

Khác với Man City hay Chelsea, mỗi bản hợp đồng lớn thực sự là “canh bạc” với Liverpool, Arsenal hay Tottenham. Họ không rủng rỉnh tiền, nên khi một tân binh "bom tấn" không được như kỳ vọng, họ sẽ rất khó sửa sai. Mỗi bản hợp đồng hoặc là cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và hoàn tất đàm phán từ rất lâu trước đó, hoặc là phải cò kè bớt một thêm hai, thậm chí xin trả góp và nhiều hình thức khác để giảm áp lực chi phí, để rồi có khi đến cuối kỳ chuyển nhượng mới kịp công bố trong cái thở phào nhẹ nhõm của bộ phận chuyển nhượng.

Arsenal và Tottenham cũng đang chạy theo sau Liverpool trên con đường thống khổ này, hay nói trắng ra là cũng đang phải "bươn chải" tìm kiếm thành công bằng chiến lược dài hạn do không thể dùng tiền đốt cháy giai đoạn. Nhưng so với Liverpool, hai CLB Bắc London thiếu những bộ óc lỗi lạc để hoạch định chiến lược, như Klopp và các cộng sự ở Anfield, cả về khía cạnh chuyển nhượng lẫn chuyên môn. Mikel Arteta vẫn đang chật vật tìm kiếm sự ổn định, điều cũng là vấn đề với Tottenham cả trên băng ghế huấn luyện lẫn sân bóng. Một khi Kane ra đi, chắc chắn sẽ có một cuộc đổ bộ rầm rộ những gương mặt mới và sự ổn định do đó lại càng trở nên xa xỉ.

Nhìn chung, trong số bộ ba còn lại của Big Six này, chỉ có Liverpool đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng cùng Man City, MU và Chelsea. Mùa giải 2020/21 đã trải qua như một cơn ác mộng đối với họ, từ chỗ là nhà vô địch với 19 điểm nhiều hơn đội xếp thứ 2 ở mùa 2019/20 đến kém Man City 17 điểm và rơi xuống vị trí thứ 3 một năm sau đó. Nhưng The Reds không tự nhiên sa sút. Chấn thương đầu gối nghiêm trọng của Virgil van Dijk đã khiến anh phải nghỉ thi đấu toàn bộ mùa giải và đi kèm theo đó là liên hoàn những ca chấn thương khác cũng ở hàng thủ Liverpool. Việc Klopp đưa đội bóng thành phố cảng cán đích trong top 4 với lực lượng chắp vá ấy thậm chí được tôn vinh chẳng kém một danh hiệu.

Mùa này Van Dijk đã trở lại, mặc dù anh có thể cần thêm một thời gian để hoàn toàn lấy lại thể lực và phong độ đỉnh cao, nhưng xét cả về mặt tinh thần lẫn chuyên môn, đây chẳng khác nào một thương vụ "bom tấn" với Klopp. Thêm sự bổ sung tân binh Konate từ RB Leipzig, hàng thủ từ chỗ thảm họa lại trở thành điểm tựa đáng tin cậy với The Reds như cách đây 2 mùa. Nhưng giờ họ lại nảy sinh vấn đề ở hàng tiền vệ.

Việc Georginio Wijnaldum đến PSG đã khiến Liverpool mất đi một trong những tiền vệ chơi ổn định nhất trong 4 năm qua. Trong bối cảnh đội trưởng Jordan Henderson ngày càng nhạy cảm với các chấn thương, áp lực sẽ đè nặng lên vai Fabinho và Thiago Alcantara. Klopp có lẽ đang hy vọng Thiago sau mùa giải đầu tiên chật vật làm quen với Premier League sẽ tìm lại phong độ đỉnh cao ở mùa giải năm nay để khỏa lấp khoảng trống Wijnaldum bỏ lại.

Với hàng công vẫn còn nguyên những nhân tố chủ chốt như Sadio Mane, Mohamed Salah, Roberto Firmino và cả Diogo Jota, khâu ghi bàn có lẽ không thành vấn đề với Liverpool. Và với vị thần hộ mệnh khổng lồ Van Dijk lừng lững ở phía sau, Anfield được kỳ vọng sẽ lại trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm.

Phần còn lại, Arsenal vẫn đang là một công trường ngổn ngang, không hẳn vì không chịu chi tiền mà bởi cách chi tiêu có vấn đề. Tính tổng số tiền thu chi từ chuyển nhượng trong vòng 4 năm qua, Arsenal chỉ chi ròng ít hơn 2 CLB thành Manchester.

Họ đổ 120 triệu euro vào hai cái tên không thuộc hàng siêu sao là Nicolas Pepe - người đến giờ vẫn chưa chứng tỏ được tầm ảnh hưởng - và mới đây là Ben White, một cầu thủ thậm chí không được ra sân ở EURO 2020. Đắt xắt ra miếng thì không sao, đằng này đa số những bản hợp đồng của Arteta đều gây thất vọng. Đó là chưa kể Pháo thủ còn từng dồn ngân sách trả lương cho Pierre-Emerick Aubameyang cao nhất Ngoại hạng Anh (trước đó là Mesut Ozil cũng của Arsenal), ngay sau đó đội trưởng người Gabon dường như đánh mất động lực thi đấu và sa sút phong độ trầm trọng.

Chưa hết, ban lãnh đạo Arsenal cũng đang bị chỉ trích rất nhiều vì đã cho thôi việc hàng loạt nhân viên hậu cần (vốn nhận lương rất thấp) trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh, nhưng vẫn tỏ ra vô cùng hào phóng về lương bổng đối với các cầu thủ.

Trong khi đó, số phận của Tottenham sẽ lệ thuộc rất lớn vào việc đi hay ở của Kane. Đến thời điểm chỉ còn ít ngày nữa Premier League sẽ khai mạc mà vẫn chưa biết thủ quân ĐT Anh đi đâu về đâu, thật khó kỳ vọng vào một mùa giải ra mắt tốt đẹp cho tân thuyền trưởng Nuno Espiranto Santo.

Như những năm qua, Premier League vẫn là sàn diễn của những ngôi sao xuất chúng nhất, cả trên ghế HLV lẫn trên đường piste. Trong một mùa giải mà La Liga không còn Messi, Ligue 1 hay Bundesliga lại quá thiếu tính cạnh tranh, Serie A cũng mất đi nhiều ngôi sao, Ngoại hạng Anh sẽ trở thành thế lực duy ngã độc tôn ở châu Âu. Và trên sân khấu hoành tráng đó, Big Six chiếm hầu hết spotlight.

Hai nửa của Big Six, một thế lực đang khuynh đảo thị trường chuyển nhượng bằng đồng tiền, mà cụ thể là Man City, Man United và Chelsea, nửa còn lại kém hào nhoáng hơn, với đại diện ưu tú Liverpool cùng sự kỳ vọng dành cho một đội hình đã thi đấu bên nhau nhiều năm, cũng như tiềm năng gây bất ngờ của hai đại diện Bắc London, Arsenal và Tottenham.

Ưu thế và cả sự chú ý của số đông đương nhiên đang nghiêng về những gã nhà giàu sau những cú áp phe long trời lở đất họ tạo ra từ đầu kỳ chuyển nhượng, nhưng đừng xem thường sức mạnh tinh thần của những “người hùng áo vải” Liverpool, Arsenal hay Tottenham. Họ là những đội bóng có thực lực, với những HLV đầy tài năng và những ngôi sao xuất chúng trong đội hình, luôn sẵn sàng tạo nên những cuộc lật đổ vĩ đại.

Chính tính bất ngờ tạo nên nét đặc trưng của bóng đá xứ sương mù. Chẳng thế mà trong suốt một thập kỷ qua, chỉ có mình Man City là bảo vệ thành công chức vô địch. Thầy trò Pep Guardiola đang hướng tới bắt kịp kỷ lục 3 lần đăng quang liên tiếp của MU thời Sir Alex Ferguson nhưng đương nhiên phần còn lại của Premier League, trong đó nổi bật là nhóm tinh hoa không để cho họ dễ dàng toại nguyện.

Dù chi nhiều hay ít tiền, một trận bóng cũng chỉ cần tối đa 14 con người. "Hổ chết còn để lại da", đã lên được tầm đại gia thì chắc chắn tất cả đều có thực lực. Vì thế, cuộc nội chiến của Big 6 hứa hẹn sẽ có vô vàn bước ngoặt, mang đến cho người hâm mộ một mùa giải Premier League 2021/22 thực sự đáng chờ đợi!