NỘI DUNG: HÀ QUANG MINH / ĐỒ HỌA: Z.K

Với quỹ lương hàng năm lên tới gần 250 triệu euro, số tiền dư sức mua lại bất kỳ một CLB hạng trung nào ở Premier League hay Serie A, La Liga…, PSG tất nhiên trở thành tâm điểm săm soi của dư luận. Không ai thích kẻ lắm tiền trong cuộc chơi chung với mình cả nhưng đa số đặc biệt thích thấy kẻ có tiền ấy thất bại…

Khi Lionel Messi xuất hiện trong màu áo PSG, đã có rất nhiều những bình luận xoay quanh CLB thủ đô nước Pháp, về cách họ chi tiền, về những thành tích họ chưa đạt được sau khi được đầu tư rất nhiều tiền, và đặc biệt là về cách họ sẽ chơi bóng như thế nào trong mùa giải mới. Ligue 1 bỗng dưng trở nên được quan tâm mặc dù bao năm nay, nó vẫn bị xem là “giải làng” so với các đại gia châu Âu khác. Nhưng thực tế, giải làng ấy không dễ chơi như người ta nghĩ, và khi PSG chưa cuốn hút kiểu san bằng mọi đối thủ bằng lối chơi tâm phục khẩu phục, những cười nhạo cho họ bắt đầu lớn tiếng hơn.

Thực tế là khá bất công cho PSG chỉ vì họ có tiền và đã thế lại còn đến từ một “giải làng”. Hãy thử tưởng tượng rằng nếu không phải là PSG, mà lựa chọn của Messi là Man City, dư luận sẽ xoay chiều thế nào? Chắc chắn sẽ chỉ tập trung vào cuộc tái ngộ Messi - Pep mà bỏ qua hết mọi khía cạnh tài chính khác. Hoặc hãy thử nghĩ nếu Messi đến Man City và CR7 không trở lại Man Utd để đầu quân cho PSG thì sao? Dư luận chắc lại “quay xe” với CR7 mà thôi và chính CR7 sẽ phải nhận cả tấn áp lực giống Messi đang nhận lúc này. Tất nhiên, áp lực cho PSG cũng vẫn vậy, không thay đổi, nếu không nói là có thể còn lớn hơn.

Có một sự thật khác mà chúng ta cũng nên cùng nhìn nhận ở đây. Nếu bạn theo dõi PSG lâu năm, chắc chắn bạn sẽ đồng ý với nhận định “kể từ khi được giới chủ Qatar đầu tư đến nay, giai đoạn Pochettino là giai đoạn PSG chơi bóng thiếu mạch lạc nhất”. Chưa có độ nhuyễn, chưa có tính chặt chẽ, chưa có cái nhịp nhàng dù Pochettino sở hữu đội hình nhiều ngôi sao lớn hơn hẳn thời kỳ Ancelotti hay Laurent Blanc. Và sự thiếu nhuần nhuyễn này không chỉ xảy ra sau khi Messi cập bến mà nó đã bộc lộ từ mùa giải trước.

Thất bại ở bán kết Champions League 2020/21 của PSG để lại một dấu ấn rất rõ là họ thiếu sức mạnh ở hai vị trí phòng ngự biên. Lục lại lịch sử Champions League suốt hai thập niên qua chúng ta sẽ thấy không một nhà vô địch nào thiếu vắng một cặp hậu vệ biên chuẩn mực cả. Và PSG, kể từ 2012 tới 2021, chưa bao giờ họ có một cặp hậu vệ biên “hàng tuyển” dù từng có những cái tên như Dani Alves, Lucas Digne cập bến đội bóng. Tất cả đều nằm ở thời điểm. Ở thời điểm khoác áo PSG, những hậu vệ biên tốt hoặc đã luống tuổi (như Alves) hoặc chưa bước vào độ chín và không đáp ứng được nhu cầu “ngay và luôn” của CLB và kết cục là chia tay sớm cho đỡ đau lòng.

Ở mùa Hè vừa rồi, khi PSG tuyên bố mua được Hakimi, có vẻ như họ đã cho thấy dấu hiệu của đầu tư đúng đắn. Vả việc họ theo đuổi Nuno Medes lâu dài (thành công ở phút chót của thị trường) càng cho thấy ban lãnh đạo PSG hiểu đội bóng của mình cần bồi đắp ở điểm yếu nào. Nhưng sự xuất hiện của Lionel Messi có thể đã khiến kế hoạch phải thay đổi nhiều, Đơn giản, với cái tên của Messi, chắc chắn anh phải đá chính, phải là trụ cột rồi. Và một khi đã lắp thêm 1 trụ cột vào bộ máy, kế hoạch theo hình dung ban đầu cũng sẽ phải thay đổi.

Khi chuyển nhượng của PSG khiến họ trở thành tâm điểm của dư luận và có thể biến họ thành trò cười bất kỳ lúc nào, áp lực chứng minh giá trị của mình mà CLB, HLV, cầu thủ phải đeo mang là quá lớn. Trong tình thế phải đá để chứng minh giá trị của mình như vậy, nhiệm vụ của Pochettino cũng sẽ nặng nề hơn rất nhiều trong hành trình giải bài toán khó: Tìm sự cân bằng cho đội hình PSG.

Nhìn vào những trận PSG đã chơi từ đầu mùa tới nay, rõ ràng khó có thể phủ nhận là họ đang thiếu một công thức, một định hình để đội bóng trở nên mạch lạc. Trên lý thuyết, các bổ sung của họ có tốt không? Quá tốt. Wijnaldum đúng là vị trí mà PSG cần khi tuyến tiền vệ của họ tuy dày nhưng lại mỏng bởi chấn thương của Verratti đã như mãn tính. Ramos thì sao? Cũng tốt luôn. Kể từ sau khi chia tay Silva, PSG vẫn cần một thủ lĩnh hàng phòng ngự thực sự khi Kimpembe đang cần thời gian để thế vai lãnh đạo. Còn Messi? Còn hơn cả tốt khi ngoài chuyên môn là cả lợi ích thương mại. Nhưng vấn đề là Messi được đặt vào một PSG theo cách nào, và cân bằng đội hình ra sao? Câu hỏi này với Pochettino không khác gì gà mắc tóc.

Với Hakimi, Pochettino có một biên thủ (wing-back) xuất sắc thực thụ nhờ khả năng tham gia tấn công, xâm nhập vòng cấm kiến tạo và dứt điểm. Tính đến hết trận gặp Metz (22/09/2021), Hakimi đã in dấu giày lên 13 bàn thắng của PSG (6 bàn, 7 kiến tạo), một con số trong mơ. Nhưng khi thiên hướng của Hakimi là công, chắc chắn việc hỗ trợ phòng thủ sau lưng anh là vô cùng quan trọng. Dùng Hakimi, Pochettino buộc phải đáp ứng 2 đòi hỏi lớn. Thứ nhất, cầu thủ tấn công phía trên Hakimi phải có ý thức hỗ trợ cho anh trong khoảng không gian nửa sân đối thủ. Thứ hai, tiền vệ trung tâm lệch phải (thường là Herera) phải luôn có ý thức trám vào vị trí mà Hakimi bỏ trống khi anh dâng cao.

Tương tự là câu chuyện của Nuno Mendes. Mendes tuy không có xu hướng xâm nhập vòng cấm như Hakimi, không ghi bàn như Hakimi nhưng cũng là cá nhân ham tấn công dù anh có ý thức lui về phòng ngự nhiều hơn Hakimi. Và tiền vệ ở bên phía Mendes lại không hoạt động hỗ trợ phòng ngự tốt cho hậu vệ biên như Herrera hỗ trợ cho Hakimi. Nếu hạn chế việc tham gia tấn công của Mendes lại, điều đó sẽ khiến Mbappe thiếu đi một vệ tinh hữu ích. Dùng Mendes thế nào rõ ràng là bài toán rất khó mà Pochettino không chỉ giải với một cá nhân đơn thuần mà phải là một tổ hợp ít nhất là 3 người.

Vấn đề đầu tiên của PSG lộ diện ở đây. Không phải đơn giản gì mà Pochettino đã loay hoay sử dụng 3 sơ đồ xuất phát ở 3 trận liên tiếp của PSG trước Brugge, Lyon và Metz. 4-3-3, 4-2-3-1 rồi 4-3-1-2, tất cả đều chỉ hướng tới một công thức hợp lý nhất. Và cả ở 3 lần thử nghiệm, PSG đều bộc lộ rõ họ dễ tổn thương trước những pha phản công nhanh ở hai biên.

Trong trường hợp chọn chơi 3 trung vệ, sơ đồ mà Pochettino có thể sử dụng là 3-4-3, 3-4-2-1 hoặc 3-5-2 (tương tự là 3-4-1-2). Câu hỏi đặt ra là hi sinh ai; tiền vệ hay tiền đạo? Giả sử, chơi sơ đồ 3-5-2 (tương tự là 3-4-1-2), chắc chắn hoặc Messi, hoặc Neymar sẽ phải lui về chơi số 10 với vai trò kiến tạo nhiều hơn là ghi bàn và Pochettino có thể thuyết phục hai ngôi sao lớn ấy làm việc đó không? Còn nếu chơi 3-4-3 hay 3-4-2-1, chắc chắn đòi hỏi hai tiền vệ trung tâm phải cơ động hơn rất nhiều trong khi đòi hỏi bộ ba siêu tấn công phải có những luân chuyển (rotation) cực tốt nhằm luôn có ít nhất 1 cầu nối giữa tiền vệ và tấn công. Và cơ bản nhất, khi đã xoay sang hệ thống này, để đáp ứng nhu cầu trình diễn cả bộ ba MNM, Di Maria sẽ mất suất đá chính. Nên nhớ, Di Maria chính là một trong những cầu thủ hiệu quả nhất của PSG trong những năm qua.

Thực tế, trong trận gặp Metz, Pochettino đã thử nghiệm chơi 3 trung vệ khi đội hình xuất quân là 4-3-1-2 nhưng thực chiến lại là 3-4-2-1 với Danilo chơi thấp lại như một trung vệ thứ ba khi PSG cầm bóng. Nhưng rõ ràng, nó chưa cho thấy hiệu quả tối đa khi Wijnaldium và Rafinha chưa hỗ trợ tốt ở sau lưng của Mendes và Hakimi dẫn tới PSG vẫn bị phản công thường xuyên ở hai biên. Và đây là trận cầu vắng Messi, với Icardi là người thay thế. Nếu có Messi, liệu mọi thứ có suôn sẻ hơn hay không khi mà Mbappe thay Icardi đóng vai trung phong?

Bây giờ đã là thời điểm mùa giải đi được một phần tư chặng đường và lẽ ra nó nên là lúc một đội bóng định hình mình. Nhưng Pochettino chưa làm được điều đó và nếu PSG chậm định hình ngày nào, họ càng gần với tiếng cười nhạo của thiên hạ ngày ấy. Câu hỏi lớn đặt ra lúc này: Pochettino có phải là con người đủ tầm để dẫn dắt dàn sao lớn này, nhất là khi ông đã chứng minh mình luôn thất bại trước các cửa ải lớn của sự nghiệp kể từ khi dẫn dắt Tottenham tới nay?

Khi Messi xuất hiện, đã có nhiều người đặt ra câu hỏi Pochettino có đủ tầm dẫn dắt một đội hình siêu sao hay không? Câu hỏi này không phải không có lý. Một HLV có thể xuất thân không phải là một cầu thủ giỏi trong quá khứ nhưng vẫn có thể thuyết phục được cầu thủ nhờ vào uy tín của mình. Mà uy tín được tạo dựng từ đâu? Danh hiệu. Đó chính là thứ Pochettino còn thiếu kể từ khi làm HLV.

Danh hiệu trong tay Pochettino quá nghèo nàn. Ông chỉ có 1 Cúp QG Pháp, 1 siêu cúp Pháp ở vai trò HLV, chấm hết. Có thể nói, ông vẫn là một HLV tiềm năng lâu năm và thứ giúp ông có thể tồn tại ở PSG lúc này để dẫn dắt những Neymar và Messi chỉ là 3 điểm. Đầu tiên, ông từng là đội trưởng PSG khi còn chơi bóng nên ít nhiều ông được gắn với CLB như một dạng biểu tượng (nhỏ thôi). Thứ hai, ông là người Argentina và do đó, ở một CLB “giàu chất Argentina” như PSG, ông dễ có tiếng nói tương tác với số đông trụ cột hơn. Và cuối cùng, ông hiện thời vẫn là HLV được Messi dành thiện cảm. Nhưng điểm cuối này thực tế rất mỏng manh. Nên nhớ, HLV Tata Martino là một người bạn thân với bố của Messi và chính bố của Messi môi giới để ông tới Barca huấn luyện nhưng cuối cùng, cũng chính Messi là một nhân tố góp phần để Tata phải ra đi sau 1 năm làm việc.

PSG kể từ khi được giới chủ Qatar đầu tư đã thể hiện rất rõ tham vọng của mình ở Champions League.Tham vọng ấy dường như đang ngày càng gần “thời hạn” hơn khi giới chủ CLB luôn hướng tới FIFA World Cup 2022 như một thời điểm để chức vô địch Champions League là thứ để “báo công”. Và trong 10 năm qua, PSG đã trải qua những đời HLV như thế nào? Họ đã có một trong những HLV xuất sắc nhất nước Pháp (ở thời điểm đó là Laurent Blanc), nhất nước Ý (Ancelotti), niềm hi vọng của Tây Ban Nha (Unai Emery) và ngôi sao mới nổi của nước Đức (Tuchel). Không HLV nào làm họ thoả mãn cả. Liệu Pochettino có làm được hơn những cái tên kia hay không?

Nhắc đến việc thay HLV, chúng ta sẽ phải mổ xẻ vấn đề lớn nhất của PSG. Nó không chỉ là sự sốt ruột với Champions League của giới chủ như cái cách mà Abramovich từng sốt ruột ở Chelsea trước kia. Nó còn là vị trí của GĐTT Leonardo. Đây chính là một nhược điểm khó nhận ra của PSG bởi nó bị khuất lấp bởi vô vàn những hợp đồng siêu sao sáng giá.

Phải thừa nhận, Leonardo đã hoạt động rất năng nổ khi mang về các thế hệ siêu sao ước mơ cho PSG suốt 10 năm qua. Nhưng hãy thử đặt câu hỏi thế này. Ở quãng thời gian Leonardo bị Ligue 1 kỷ luật và ông “tạm sang” AC Milan làm việc cùng cương vị, ông đã mua sắm được gì tốt cho Milan hay không? Câu trả lời là không. Nói thẳng, không có nhiều tiền của PSG, Leonardo cũng chẳng mang lại kết quả khả quan nào hết.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí France Football hồi năm ngoái, khi được hỏi về hợp đồng mang tên Pochettino và vụ sa thải Tuchel, Leonardo đã quá tự tin nói rằng “đó là kết thúc của một chu kỳ”. Leonardo cho biết, với Ancelotti, với Laurent Blanc cũng là câu chuyện của chu kỳ. Và một chu kỳ ở PSG là bao lâu? HAI NĂM. Với họ, 2 năm không Champions League là đủ để kết thúc và chia tay nhau (có thể chả cần trong mưa).

Bản thân mối quan hệ của Leonardo với cầu thủ cũng không tốt. Ỷ vào vị thế của một CLB có thể mang lại nhiều lợi ích tài chính cho cầu thủ, Leonardo có cách tiếp cận thiếu mềm mại. Silva: đổ vỡ. Cavani: đổ vỡ. Ibra: đã đổ vỡ sau khi Leonardo từ chối việc để Ibra quay lại PSG ở Hè 2021 này, Quan trọng hơn cả, với Killian Mbappe: đổ vỡ trầm trọng. Trong phi vụ đi-ở của Mbappe ở Hè vừa rồi, chính chủ tịch Al-Khelaifi đã phải trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán với gia đình Mbappe khi họ không còn muốn nói chuyện với Leonardo nữa.

Tham vọng của giới chủ là một chuyện. Sức kiên nhẫn của giới chủ là một chuyện. Cơ bản nhất, ở vai trò GĐTT, Leonardo cần thuyết phục giới chủ về một kế hoạch Champions League hợp sức, khoa học và đúng với bối cảnh của cuộc chơi. Chưa có GĐTT nào trên toàn cõi Âu châu dám khẳng định rằng CLB của mình có thể giành Champions League trong một chu kỳ 2 năm cả. Nếu Leonardo là con người thực tế hơn, hiểu rằng PSG cần ít nhất 3 năm đến 5 năm cho một HLV thì sao? Tuchel chắc đã không ở Chelsea lúc này để mỗi khi Chelsea ra sân là một sự mỉa mai đỉnh cao dành cho PSG.

Cách duy nhất để sửa sai với PSG bây giờ chỉ có thể là tìm một HLV có đủ uy tín để cả giới chủ CLB buộc phải kiên nhẫn, giống như uy tín mà Pep Guardiola tạo ra cho giới chủ Man City vậy. Một HLV như thế phải ở đẳng cấp thế giới. Tiếc cho PSG, Ancelotti chính là một HLV ở đẳng cấp thế giới nhưng họ không giữ nổi chân ông. Và bây giờ còn ai rảnh rỗi ngoài Zidane? Chỉ có một cái tên như Zidane mới có thể bắt cả một ban lãnh đạo phải kiên nhẫn ít nhất là 4 năm. Nhưng Zidane là người Marseille. Một người Marseille có thể băng qua eo biển Manche để làm việc cho kình địch Anh quốc chứ khó có thể ngược từ miền Nam lên làm việc ở PSG trừ phi trong tim của họ không còn thành phố cảng ấy nữa.

10 năm qua, PSG từng có những HLV không phải đẳng cấp thế giới và dẫn dắt một đội hình không phải toàn siêu sao nhưng ít ra họ vẫn khiến đối thủ ở Champions League phải kiêng dè. Còn bây giờ, họ có 1 đội hình siêu sao và một HLV vẫn cứ tiềm năng và đứng trước nguy cơ bị cả Champions League giễu nhại như một trò cười.

Neymar luôn là đối tác cực tốt của Mbappe và cùng với Di Maria, họ tạo nên một bộ 3 sống động cho PSG suốt 4 năm qua. Nhưng khi Messi xuất hiện, sự kết hợp giữa họ bỗng nhiên lung lay. Các đường phối hợp của Neymar và Di Maria dành cho Messi nhiều hơn. Mbappe trở nên đơn độc. Cái đơn độc ấy trầm trọng hơn nữa khi chuyện lùm xùm đi-ở mùa Hè qua khiến ủng hộ viên PSG có phản ứng với Mbappe.

Mỗi lần Mbappe có bóng, vẫn có tiếng huýt sáo của ủng hộ viên của PSG, những người coi Messi giờ đây như đại diện của sự sang chảnh của CLB và Neymar là thủ lĩnh của hàng công. Mbappe lùi xuống vị trí thứ ba. Doanh số bán áo của Messi tăng thêm 50% trong những tuần qua và song hành với đó là doanh thu bán áo của Neymar cũng tăng trong khi áo của Mbappe chỉ “ổn định ở mức cũ”. Mỉa mai thay, trên hàng công hào nhoáng ấy, kẻ lui lại đứng thứ 3 là Mbappe lại vẫn là người đóng góp nhiều nhất cho những bàn thắng của PSG và chắc chắn, nó sẽ khiến Mbappe không hề hài lòng, nhất là khi anh được nghe Benzema tâm sự về đời sống ở Real ở mỗi lần họ tập trung ĐTQG.

Thực tế, nếu hướng đến tương lai, PSG phải xây dựng Mbappe là đầu tàu mới đúng. Nếu Mbappe là đầu tàu, chính Messi và Neymar mới là những người hưởng lợi nhất. Dễ hiểu, Mbappe luôn là người có khả năng làm ngòi nổ nhiều nhất trên hàng công của PSG. Nếu Messi chịu khó chăm sóc cho ngôi sao người Pháp, chính Messi sẽ nhận được nhiều kiến tạo hơn từ đó. Nhưng tương tác giữa Messi với Mbappe gần như là chưa có. Bởi thế, hàng công PSG vẫn hoạt động đúng theo kiểu tự do và tự phát mà cả 3 cá nhân ngôi sao đều quên mất rằng “hoạt động tự do nhưng phải lưu ý chuyện đừng để tự do của mình xâm phạm đến tự do của những người còn lại”.

Một mối quan hệ khác cũng rất đáng để mắt tới là quan hệ Messi - Icardi. Trước kia, quan hệ của họ cũng tốt thôi nhưng kể từ khi Icardi cưới Nara, vợ cũ của Maxi Lopez, thì quan hệ ấy đổ vỡ. Maxi Lopez là bạn thân của Messi và khi Nara chia tay Maxi Lopez bằng một cuộc ly dị đầy cãi vã, đầy cáo buộc lẫn nhau công khai, vợ của Messi ghét Nara ra mặt. Mà Messi thì hình như không sợ ai trên đời ngoài sợ vợ thì phải? Bởi vậy, anh không hề thích Icardi chút nào. Kể từ khi khoác áo PSG đến nay, Messi có đúng 1 đường chuyền cho Icardi và đường chuyền ấy lại xảy ra đúng thời điểm Icardi… việt vị (trận gặp Brugge).

Mbappe lại chơi rất hợp cạ với Icardi trên sân. Thực tế, Mbappe luôn hoạt động hiệu quả khi đối tác của anh là một tiền đạo mục tiêu. Dễ hiểu, người ấy thu hút hàng thủ giúp anh và hơn nữa, nhờ các phối hợp 1-2 với họ mà anh dễ xâm nhập vòng cấm hơn. Câu hỏi đặt ra là, nếu 1 ngày nào đó, vì chấn thương hay thẻ phạt, Pochettino chỉ còn đúng Messi - Mbappe - Icardi trong tay cho 1 trận cầu quan trọng, họ sẽ phối hợp với nhau như thế nào?

Và quan trọng hơn nữa, có hay chăng sự hợp cạ giữa Neymar - Messi và giữa Mbappe - Icardi có tạo thành phe phái trong phòng thay đồ hay không? Phe phái ấy (nếu nảy sinh tình trạng này) sẽ lôi kéo “băng đảng” ra sao khi còn các mối quan hệ cạnh tranh vị trí khắc nghiệt mà điển hình là Donnaruma - Navas, Paredes - Gueye…?

Gương mặt tối sầm của Messi khi bị thay ra ở trận Lyon đã nói lên phần nào sự phức tạp trong tập thể toàn các cái tôi rất lớn của các ngôi sao? Pochettino có điều tiết nổi không, hay chính ông cũng đang trong áp lực đầy nan giải. Và PSG sẽ đi tới đâu với một đội hình giàu sang nhưng dễ có thiên hướng quân hồi vô phèng như hôm nay?

Và trong khi ấy, cả châu Âu vẫn đang săm soi họ…

 ON Sports
Từ khóa: