Với Ramos, thủ đô Paris hoa lệ giờ mới nắng hơn một chút

Với Sergio Ramos, sự nghiệp của anh luôn là ngọn lửa đam mê và sự ồn ào, nhưng thay vào đó, anh đã chia tay 16 năm kỉ niệm của mình trong một căn phòng lát đá cẩm thạch ở Bernabeu, với sự im lặng bao trùm giữa anh và chủ tịch Florentino Perez.

Hai năm qua chứng kiến những vết xước trong sự nghiệp lấp lánh của Ramos (anh chỉ có 15 lần ra sân ở La Liga mùa trước). Cầu thủ sinh ra tại Sevilla hiểu rằng dù anh và Real Madrid có đánh bại bao nhiêu đối thủ, thời gian vẫn là thứ không thể chống lại.

Khi sự buồn rầu và im lặng ập xuống, điều khiến người ta nhớ về Ramos chính là sự ồn ào và tình yêu.

Bởi đó là hai thứ Ramos đều sở hữu. Cầu thủ sinh năm 1986 không quen với sự im ắng, nhưng ở thời điểm anh ồn ào nhất, tiếng hét của anh lại hòa chung với các Madridista, khi anh ghi bàn trong thời gian bù giờ để vực dậy Real Madrid, trước khi đánh bại người hàng xóm Atletico trong hiệp phụ ở trận chung kết Champions League năm 2014.

Đó là cách Real Madrid giành “decima” lịch sử. Ở tuổi 28, đó cũng mới là lần đầu tiên Ramos vô địch Champions League. Nhưng anh cũng không cần phải chờ đợi lâu, bởi sau đó là ba danh hiệu liên tiếp từ năm 2015 đến 2018.

Chỉ nhiêu đó thôi đã giúp anh đứng trên một số cầu thủ vĩ đại nhất từng khoác lên mình màu áo trắng của Real Madrid. Về danh hiệu, không ai có thể chạm tới Ramos. Và anh còn hơn thế nữa.

Hãy tưởng tượng một Ramos trầm lặng và trải qua cả sự nghiệp chỉ thể hiện những gì anh đã làm trên sân cỏ, anh vẫn sẽ được xếp vào danh sách những cầu thủ vĩ đại nhất của kỷ nguyên hiện đại về thành tích và màn trình diễn.

Nhưng thứ đã nâng tầm Ramos chính là tính cách và lời nói của anh. Những câu nói của anh đôi khi gây ra những rắc rối, nhưng chúng đã kết hợp bản sắc của anh với đội bóng theo cách ít người làm được.

Chính tình yêu và cam kết cống hiến được thể hiện qua lời nói của Ramos đã đưa Madrid đến với chiến thắng. “Tôi sẵn sàng chơi bóng không công,” anh từng nói về hợp đồng sắp hết hạn của mình, vì anh đã nếm trải những vinh quang mà tiền bạc không thể mua được. 

Mặc dù vậy, không có hợp đồng mới nào được đưa ra. Sau khi gia nhập đội chủ sân Bernabeu với mức phí kỷ lục cho một cầu thủ tuổi teen, anh đã ra đi với tư cách là một cầu thủ tự do, một ông già.

Có thể hiểu vì sao CĐV Real Madrid lại ám ảnh cú “decima” lịch sử đến vậy. Khoảng cách giữa chức vô địch Champions League thứ 9 tại Hampden năm 2002 và lần thứ 10 ở Lisbon là 12 năm.

Đó là hơn một thập kỉ bối rối của một đội bóng đã quen với việc không chỉ chiến thắng, mà còn phải thắng một cách hào nhoáng, bóng bẩy. Đây là CLB mà các HLV có thể mất việc dù đã vô địch giải đấu. Chiến thắng chưa bao giờ là đủ; nó phải đẹp và theo phong cách của người Madrid.

Trên lý thuyết, điều đó có vẻ chẳng mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên đối với người Madrid, những chiến thắng không chỉ giành cho CLB, mà còn cho thủ đô, cho đất nước và cho khu vực Castile. Đó là cách mà bản sắc đội bóng gần như thay thế cho bản sắc của người Tây Ban Nha.

Ở một đất nước đã trải qua nhiều thế kỉ tranh đấu để thống nhất các khu vực tự trị, “Madridismo” – khí chất của Real Madrid là niềm tin cốt lõi để xây dựng mọi thứ xung quanh. Đó là trải nghiệm bóng đá nghẹt thở, của lòng yêu nước sâu sắc, với trái tim luôn đập mạnh trong lồng ngực. 

Nếu bạn được yêu cầu vẽ một bức tranh về một con người đại diện cho Madridismo trong thế kỷ 21, bạn sẽ khó tìm được một hình ảnh đẹp hơn Ramos.

Một cách lặng lẽ, cuộc họp báo chia tay cầu thủ sinh năm 1986 lại đến khi EURO 2020 đang diễn ra và bạn sẽ hiểu lí do vì sao. Đẳng cấp của Ramos, một trong những hậu vệ xuất sắc nhất thế giới giờ đã đi vào quá khứ. Nó khiến anh bị thất sủng ở cả CLB và ĐTQG.

Mặc dù vậy, anh sẽ luôn là một phần lịch sử của họ. Một tờ báo Tây Ban Nha gọi anh là “thần tượng cuối cùng của Madridismo”. Theo thời gian, điều đó có thể được chứng minh là vô nghĩa, nhưng để tìm ra người không những trở thành một cầu thủ xuất sắc ở vị trí của họ trong hơn một thập kỉ, mà còn là một nhà lãnh đạo tinh thần, đảm nhiệm vai trò kết nối với nền văn hóa của đội bóng có vẻ khá viển vông. Trên thực tế, nó dường như là điều không thể.

Bởi vì trên hết, cầu thủ đó cần phải sinh ra ở một vùng đất trung tâm của Tây Ban Nha - như Ramos ở Camas, Seville - và là bức tranh sống động về đất nước này. Khi được hỏi anh sẽ làm gì nếu không trở thành một cầu thủ bóng đá, câu trả lời của hậu vệ 35 tuổi như được lập trình sẵn: “Một vận động viên đấu bò”. Nếu để chấm xem Ramos có bao nhiêu phần Tây Ban Nha trong thang điểm 10, anh sẽ được 11 điểm!

Nhưng rồi ngày chia tay cũng phải đến. Ramos khoác trên mình bộ vest đen, thay vì chiếc áo trắng quen thuộc. Trái bóng cũng không còn lăn trước mặt anh ở Bernabeu nữa; thay vào đó là chai nước khoáng và chiếc micro.

Ramos có thể rời Real Madrid về mặt thể chất. Về mặt kỹ thuật, anh sẽ hoàn thành cuộc họp báo và sau đó, về mặt địa lý, anh sẽ không còn ở Madrid. Theo hợp đồng, anh cũng không còn bị ràng buộc với đội bóng Hoàng gia nữa.

Nhưng sẽ không bao giờ là lời tạm biệt, chừng nào trái tim Tây Ban Nha còn đập trong lồng ngực và Madridismo chạy trong huyết quản của Ramos. 

Bạn không thể kể về lịch sử của Real Madrid mà không sử dụng tên của Ramos. Và bạn có thể đưa Ramos ra khỏi Madrid, nhưng không thể lấy Madrid ra khỏi anh ấy.

Định mênh luôn biết cách trêu đùa con người. 7 tháng sau khi rời xứ sở bò tót để khoác áo PSG, những lá thăm định mệnh khiến anh gặp lại đội bóng cũ một lần nữa ở vòng 1/8 Champions League. 

“Tôi muốn chúng tôi gặp đội bóng khác, nhưng sự đã rồi,” Ramos nói. “Các bạn đều biết tình cảm tôi dành cho Real Madrid; điều đó sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng hiện tại của tôi là PSG […] Tôi sẽ bảo vệ CLB của mình. Thậm chí tôi sẵn sàng chết vì đội bóng này.”

Đội bóng thủ đô mặc dù vậy sẽ không yêu cầu anh phải hi sinh bản thân đến như thế. Họ cần anh đạt được thể trạng tốt nhất đã.

Quay trở lại kì chuyển nhượng hè 2021. Trong bối cảnh cả làng tiết kiệm từng đồng vì dịch Covid-19, PSG vẫn mua sắm rầm rộ để tạo nên một kì chuyển nhượng ấn tượng bậc nhất lịch sử.

Sau khi bị Lille phế truất tại Ligue 1, PSG đã chiêu mộ thành công cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Barcelona Lionel Messi, đội trưởng tuyển Hà Lan Georginio Wijnaldum, đội trưởng của Real Madrid Sergio Ramos và cầu thủ xuất sắc nhất EURO 2021 Gianluigi Donnarumma; tất cả chỉ diễn ra trong một tháng. Trước đó, Achraf Hakimi, nhân tố chủ chốt trong chức vô địch Serie A 20/21 của Inter Milan đã đến với giá 70 triệu USD.

Tuy nhiên, trừ cầu thủ người Marocco, mọi thứ không diễn ra thật sự suôn sẻ với các tân binh còn lại. Donnarumma chưa thể đánh bật hoàn toàn thủ thành kì cựu Keylor Navas trong khung gỗ. Wijnaldum chỉ sau 4 tháng đã muốn ra đi vì không có chỗ đứng ổn định dưới thời Mauricio Pochettino, còn Messi, đương kim Quả bóng vàng 2021 mới chỉ có đúng 1 bàn ở Ligue 1.

Nhưng không ai trong số này lại có đóng góp gần như là con số 0 tròn trĩnh như Ramos.

Cầu thủ người Tây Ban Nha vốn không gặp nhiều chấn thương nghiêm trọng trong sự nghiệp. Cơ bắp của anh thường xuyên gặp vấn đề, nhưng đều hồi phục chỉ trong khoảng 10 ngày. Cơ thể của anh như được chuẩn bị cho môn thể thao này; ngoài ra, anh cũng dành nhiều giờ trong phòng gym để tăng cường thể chất.

Mọi chuyện bắt đầu từ một chấn thương đầu gối sau trận tranh Siêu cúp với Athletic Bilbao vào tháng 2/2021. Phần sụn chêm ở đầu gối của anh ấy không chịu được điều trị bảo tồn, do đó anh cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. 

Ramos gia nhập PSG khi vẫn đang dưỡng thương. Các cuộc kiểm tra y tế đều cho kết quả thuận lời, ngoại trừ đầu gối và phần cơ đế. Nhưng khi đầu gối của anh trở nên ổn định hơn, những vấn đề về cơ bắp lại khiến anh phải ngồi ngoài.

Tại đội bóng thủ đô, người hâm mộ chủ yếu nhìn thấy anh trên khán đài nhiều hơn, với tư cách là một vlogger hơn là một cầu thủ bóng đá, khiến không ít người phải lắc đầu ngán ngẩm.

Trong những người buồn chán đó, dĩ nhiên có cả Ramos. “Đó là những khoảnh khắc khó khăn và cô đơn, với hàng giờ trong phòng gym với chuyên gia vật lý trị liệu và HLV thể hình,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn với Amazon Prime Video. “Bạn liên tục có những suy nghĩ tiêu cực, khiến bạn đôi khi nghi ngờ chính mình.”

Thế nên, không khó hiểu khi Ramos ăn mừng như một đứa trẻ nhận quà từ ông già Noel, khi ghi bàn đầu tiên cho PSG trong trận đấu gặp Reims. Nó đến từ một kịch bản quen thuộc: Ramos đánh đầu từ một quả phạt góc rồi dứt điểm như một tiền đạo. Sau trận đấu, Ramos được whoscored chấm 8,4 điểm, số điểm giúp anh cùng với Mbappe (8,6 điểm) trở thành hai cầu thủ PSG chơi hay nhất trận.

Sự trở lại của Ramos đến không thể đúng lúc hơn, trong bối cảnh PSG đã tạo khoảng cách an toàn với những đội bóng xếp sau ở Ligue 1. Đội bóng của Pochettino sẽ dồn toàn lực cho danh hiệu duy nhất họ còn thiếu, Champions League, nơi họ sẽ tiếp đón Real Madrid sau 3 tuần nữa. Không ai hiểu đội bóng này hơn Ramos.

PSG đưa anh về để thay thế cho Thiago Silva, người ra đi khi đã 36 tuổi nhưng lại giành các danh hiệu lớn với Chelsea sau đó. Nếu anh tiếp tục tỏa sáng như ở trận thứ hai đá chính cho PSG, đó vừa là cách để anh chữa thẹn cho đội bóng thủ đô, vừa để khẳng định rằng mình chưa hết thời.

Ước mơ dự World Cup 2022 vì thế vẫn chưa khép lại đâu, Ramos!

 Thanh Lâm