4 vấn đề của ĐT Việt Nam sau thất bại trước Oman

Được tiếp tục thi đấu tại Mỹ Đình nhưng đã không có thêm một trận đấu tưng bừng của ĐT Việt Nam. Sau 90 phút trước Oman, HLV Park Hang Seo thừa nhận: "Đúng là cầu thủ đã nỗ lực hết sức, nhưng kết quả không như mong muốn". Ngoài kết quả ra, màn trình diễn của Những chiến binh sao vàng cũng để lại nhiều vết gợn và cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

Chiến thắng trước Trung Quốc hôm mùng 1 Tết mở ra một bước ngoặt lịch sử cho ĐT Việt Nam. Từ đây, chúng ta tin đẳng cấp của mình không ở quá xa mặt bằng chung nhóm đại gia châu lục. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định trận đó Trung Quốc đã thi đấu quá tệ so với năng lực của chính họ. Chính vì thế, trình độ của ĐT Việt Nam cần phải có thêm một phép thử.

Oman chính là đội phù hợp nhất để biết được thầy trò Park Hang Seo đang ở đâu. Ở trận lượt đi, dù thua 1-3 trên đất bạn nhưng Việt Nam vẫn cho thấy nhiếu dấu hiệu tích cực, đặc biệt là việc mở tỷ số do công của Tiến Linh.

Nhưng tiếc cho thầy Park là trong màn tái đấu này, ông không thể có sự phục vụ của một loạt trụ cột như Hoàng Đức, Văn Đức, Đình Trọng, Duy Mạnh, Tiến Dũng... và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế trận pressing tầm trung của ĐT Việt Nam.

Văn Đức không thể góp mặt

Đầu tiên, cần phải khẳng định một lần nữa, Oman khác biệt hoàn toàn so với Trung Quốc. Họ sở hữu lực lượng cực đều, vừa có thể lực, lại vừa có kỹ thuật nên vô cùng tự tin. Đặc biệt, Oman trình bày một thế trận có tính toán tỉ mỉ và gây ra sự khó chịu cực lớn.

Ý đồ muốn tấn công phủ đầu của Việt Nam được thể hiện rõ ràng ngay sau tiếng còi khai cuộc. Các chiến binh áo đỏ tràn sang phần sân của đối thủ và pressing rất gắt. Nhưng sau vài pha bóng mà Oman bình tĩnh hóa giải và giữ được quả bóng ở phần sân nhà, ĐT Việt Nam buộc phải lui về giữa sân, từ đó đánh mất thế chủ động vào tay đối thủ.

Vấn đề ở đây chính là luồng pressing không đều ở các tuyến nơi đội chủ nhà. Có nhiều pha bóng chỉ một mình Tuấn Hải hay Quang Hải lao lên giữa không gian mênh mông, phần còn lại của Việt Nam vì nhiều lý do mà không bao phủ các lựa chọn chuyền bóng còn lại của đối thủ, qua đó khiến công sức áp sát của đồng đội trở nên vô nghĩa.

Cũng cần phải nói rằng cự ly đội hình của Oman là quá tốt nên trong một vài tình huống họ chuyền sai hoặc mất bóng, đội khách vẫn có đủ quân số để ngăn chặn ngay lập tức các đợt phản công.

Quan trọng nhất là cách Oman gây ức chế cho Việt Nam khi họ có bóng. Thay vì những đường chuyền dài cẩu thả như Trung Quốc, các trung vệ của Oman tự tin ban chuyền cho nhau ở phần sân nhà. Họ không hề vội đưa bóng lên phía trên mà chủ động cầm bóng khá chậm. Việt Nam muốn đá nhanh, chơi thế đôi công thật tưng bừng nhưng đối thủ thì không muốn. Sau khoảng vài chục phút, độ hưng phấn của đội chủ nhà giảm và thế trận đi đúng theo ý đồ của đội khách. Đây rõ ràng là sự cao tay của HLV Branko Ivankovic để tránh đi vào vết xe đổ của Trung Quốc.

Oman rõ ràng đã dành sự tôn trọng cao nhất cho Việt Nam và nghiên cứu rất kỹ lối chơi của thầy trò Park Hang Seo. Mọi quyết định của đội khách trong trận này đều rất hợp lý. Đây chính là tính biến hóa đẳng cấp cao của đội bóng từng đánh bại Nhật Bản ngay trên sân khách.

Từ đó, chúng ta cũng có thể thấy rằng điểm yếu của Việt Nam chính là không có một phương án B hữu hiệu nếu thế trận ban đầu không diễn ra thuận lợi. Khi bị đẩy vào thế giằng co mà không thể phản công nổi, Việt Nam gặp muôn phần bất lợi, từ đó dẫn đến vấn đề thứ 2: Đó là chống tình huống cố định.

Oman rất đẳng cấp

ĐT Việt Nam vượt trội đối thủ về số lần phạt góc khi có 11 so với chỉ 2 của Oman. Nhưng với chỉ vỏn vẹn 2 lần đó, Oman đã thu về được 1 bàn thắng. Nếu nói đó là may mắn thì không hẳn bởi ở những trận đấu căng thẳng, một tình huống có thể thay đổi cả trận đấu.

Điểm đáng khen của Việt Nam trong trận này là chúng ta đã tìm ra cách khắc chế chiến thuật vây hãm thủ môn mà Oman thực hiện trong các pha bóng chết ở lượt đi. Thay vì lúng túng theo kèm 1-1 trong không gian hẹp 5m50, đội chủ nhà đã kèm người khu vực, cắt cử những cầu thủ cao lớn đứng "trấn yểm" ở những vị trí trọng yếu, qua đó chủ động vô hiệu hóa các mối nguy tới chỗ thủ môn Nguyên Mạnh từ xa.

Nhưng cái tinh quái của Oman là ngay khi biết được Việt Nam đã "bắt bài" mình, họ lập tức chuyển sang bài khác. Quả phạt góc chếch bên cánh phải ở phút 65 là một ví dụ như vậy. Việc để cho một cầu thủ cao lớn như Khalid Al-Hajri dễ dàng bật lên đánh đầu trong tư thế không người kèm là một sai lầm của hàng thủ Việt Nam.

Cả thầy Park và Nguyên Mạnh đều sửng sốt trước cách hậu vệ Việt Nam tổ chức kèm người. Quế Ngọc Hải bị hút theo tiền đạo "chim mồi", còn 2 trung vệ cao lớn Thành Chung và Việt Anh thì thậm chí không có cơ hội bật lên tranh chấp vì bị lừa loại ra khỏi vòng chiến.

Al-Hajri nhảy lên như chỗ không người, dễ dàng lái quả bóng vào góc xa đánh bại Nguyên Mạnh. Đến khi bóng vào lưới, Văn Thanh mới tỏ ra ngơ ngác, thắc mắc ai có nhiệm vụ theo kèm cầu thủ này? Việc chúng ta có quân số áp đảo trong vòng cấm nhưng để thua theo cách này thực sự rất khó chấp nhận.

Tiếp theo, vấn đề thứ 3 nằm ở vị trí hậu vệ trái. Kể từ khi Văn Hậu chấn thương, đây vẫn là khu vực dễ tổn thương nhất của ĐT Việt Nam. Ở trận lượt đi gặp Oman và trong chiến thắng trước Trung Quốc, người được thầy Park chọn cho vị trí này là Nguyễn Phong Hồng Duy. Đương nhiên thì Duy "pinky" vẫn chỉ chơi ở mức tròn vai, và vẫn luôn khiến người hâm mộ thót tim với những pha xử lý có xác suất rủi ro cao bên phần sân nhà.

Trong trận lượt về gặp Oman, Hồng Duy không thể tham dự và lựa chọn khả dĩ nhất của thầy Park chỉ có thể là Văn Thanh. Nhưng đúng là hậu vệ thuộc biên chế HAGL vẫn đang trong thời kỳ xuống phong độ. Những pha xử lý của Văn Thanh lệch nhịp rất nhiều với đồng đội.

Thầy Park đau đầu với Văn Thanh và Hồng Duy

Từ những pha chuyền ngắn đơn giản hay đến những quả tạt cần độ khó cao, Văn Thanh đều thực hiện hỏng và làm liệt luôn hướng tấn công bên cánh trái của đội chủ nhà.

Ở mặt trận phòng ngự, cánh của Văn Thanh và Thành Chung cũng bị khoét rất nhiều. Tình huống báo động nhất là ở cuối hiệp 1, chỉ sau một pha chuyền bổng, cả 2 hậu vệ của Việt Nam đều bị loại bỏ, cầu thủ Oman kéo bóng xuống tận đáy sân trước khi căng ngang cho đồng đội dứt điểm. Rất may là Việt Anh đã có mặt kịp thời để giải nguy.

Đến phút 76, vì nhiều lý do, thầy Park buộc phải rút Văn Thanh và thay bằng Văn Xuân. Nếu tình hình trong các buổi tập tới không được cải thiện, nhiều khả năng Văn Xuân mới là người được chọn đá chính trước Nhật Bản.

Cuối cùng và cũng có thể xem là bài toán nan giải nhất với thầy Park là vị trí trung phong. Vai trò của Tiến Linh rõ ràng đang là không thể thay thế tại ĐT Việt Nam. Tiền đạo của Bình Dương hoạt động không quá hiệu quả trước Oman nhưng vẫn tạo ra áp lực đủ lớn để làm xô lệch hệ thống phòng ngự của đối phương.

Nhưng kể từ lúc Tiến Linh rời sân vì chấn thương ở phút 54, tuyến trên của Việt Nam mất hẳn một tiền đạo mục tiêu. Những người thay thế trên sân như Tuấn Hải, Công Phượng hay Văn Toàn rõ ràng thiếu rất nhiểu phẩm chất để chơi ở vị trí trung phong. Trong khi đó, Hà Đức Chinh chỉ được thay vào ở tận phút 85 và không để lại nhiều dấu ấn.

Không có Tiến Linh, các pha lên bóng của Việt Nam mất hẳn tính bài bản và dựa chủ yếu vào các nỗ lực đi bóng của các cá nhân như Công Phượng hay Văn Toàn. Với một hàng thủ được tổ chức tốt như Oman, ngăn chặn các pha bóng kiểu đó không khó khăn gì. Việc đưa bóng vào vòng cấm Oman khi không có tiền đạo cắm cũng khiến cơ hội ăn bàn của đội chủ nhà giảm đi rõ rệt.

May cho thầy Park là hành trình trải nghiệm Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng đã đi đến hồi kết nên sự vắng mặt nhất thời của Tiến Linh không quá nghiêm trọng.

Dẫu sao thì "đi một ngày đàng, học một sàng khôn", sân chơi vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã mở mang cho ĐT Việt Nam rất nhiều thứ mới mẻ, với các bài học đa dạng thay đổi liên tục.