"Những kẻ côn đồ đá bóng" và vấn nạn của bóng đá Trung Quốc

Báo chí Trung Quốc nhiều lần lên tiếng về tình trạng "những kẻ côn đồ chơi bóng", nhưng nạn bạo lực trong bóng đá nước này chẳng những không thuyên giảm mà còn ngày một tăng lên.

Tháng trước, tại trận đấu thuộc khuôn khổ Cúp C1 châu Á, tiền đạo Wei Shihao của CLB Wuhan Three Town đã thúc gối vào mặt Xuân Mạnh (Hà Nội FC) khiến làng túc cầu Trung Quốc dậy sóng. Cầu thủ này đã bị Liên đoàn bóng đá châu Á cấm 3 trận, tuy nhiên chính báo chí của Trung Quốc còn kêu gọi mức phạt nặng hơn.

Phạm Xuân Mạnh bị tiền đạo Wei Shihao đá vào mặt

Tưởng như vụ việc đó sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đội bóng khác thì mới đây, vào hôm 29/11 vừa qua, CLB Zhejiang lại tạo ra một vụ bạo lực rúng động khi ẩu đả với Buriram United (Thái Lan).

Nói về vấn nạn bạo lực của bóng đá Trung Quốc, tờ 163 có bài viết: "Nạn bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn làm xấu xí hình ảnh bóng đá Trung Quốc nói chung". Tờ báo này nhấn mạnh: "Những nỗ lực phát triển bóng đá của nước nhà bị phá hỏng bởi đạo đức của một số cầu thủ."

Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc còn gọi Trung Quốc là "đội bóng Thiếu Lâm" khi chứng kiến tình trạng chơi bạo lực tại ASIAD 19 vừa qua.

Điều đáng nói là những vụ bạo lực không chỉ xuất phát từ cá nhân mà còn mang tính hệ thống, thậm chí nhen nhóm từ bóng đá trẻ. Năm 2018, tờ Sohu từng phản ánh tình trạng bạo lực bóng đá xuất hiện ngày càng nhiều ở cấp độ thiếu niên. Vụ việc đáng chú ý nhất năm đó là ở giải bóng đá thiếu niên Bắc Kinh, các cầu thủ trẻ đánh đuổi trọng tài sau khi bị thổi phạt đền.

Không những thế, chính các cổ động viên trên khán đài cũng góp phần "tiếp tay" cho bạo lực với những hành vi khó chấp nhận. Phổ biến nhất là hành vi lăng mạ, chửi thề, quăng vật lạ xuống sân,... Ở giải vô địch Trung Quốc mùa này đã xuất hiện tình trạng cầu thủ bị lĩnh trọn chai nước từ CĐV, hay một nữ phóng viên bị CĐV hai đội quây chặt, chửi rủa không ngớt và phải cần đến sự hộ tống để rời sân.

CLB Zhejiang hỗn chiến với Buriham United của Thái Lan ở trận đấu thuộc khuôn khổ Cúp C1 châu Á hôm 29/11

Ngoài bạo lực, bóng đá Trung Quốc cũng nhúng chàm với những vụ án dàn xếp tỷ số khiến dư luận bức xúc. Báo giới nước này cũng liên tục lên án và kêu gọi từ năm này qua năm khác nhưng tình hình vẫn chưa biến chuyển.

Năm 2010, Trung Quốc từng mở chiến dịch "chống cơn bão xã hội đen" trong làng túc cầu, tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian ngắn. Sau đó mọi chuyện còn đi xa hơn. Chúng ta đều biết rằng trong những năm gần đây, không ít quan chức cấp cao của bóng đá nước này bị bắt và điều tra về hành vi tham nhũng, thao túng tỷ số,...

Trở lại với các vụ bạo lực sân cỏ, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cũng từng đưa ra rất nhiều mức phạt nặng dành cho các cầu thủ. Như tiền đạo Wei Shihao, người mới đây đã đá vào mặt Xuân Mạnh, đã từng phải nhận hai án phạt trong năm nay vì những hành vi thiếu chuẩn mực như xúc phạm trọng tài, phạm lỗi thô bạo.

Tuy nhiên, Wei Shihao vẫn được đá chính ở tuyển Trung Quốc trong các trận đấu mới đây gặp Thái Lan và Hàn Quốc tại vòng loại hai World Cup 2026. Điều đó cho thấy rằng Trung Quốc vẫn chưa thực sự làm triệt để và xử lý gốc rễ vấn đề.

Cựu trọng tài Ma Chao thậm chí còn thừa nhận rằng ông sợ phải cầm còi tại Trung Quốc. Mỗi khi có va chạm, ông buộc phải thổi còi ngay, dù điều đó làm trận đấu bị vỡ vụn nhưng như thế mới có thể giúp ông an toàn trên sân.

Chính những vấn nạn như bạo lực và dàn xếp tỷ số chưa được dẹp yên mà dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, bóng đá Trung Quốc vẫn mãi loay hoay ở đấu trường quốc tế. Thậm chí nhiều người còn mỉa mai rằng, một đất nước có đến hơn tỷ dân mà không tìm nổi 11 cầu thủ giỏi để đá bóng cho ra hồn.

Nguồn: Kênh truyền hình Onsports

 Anh Quân
Từ khóa: