Phong cách huấn luyện của HLV Troussier khác thầy Park thế nào?

Có những điểm giống và khác biệt cơ bản trong phong cách huấn luyện và quản lý nhân sự giữa ông Park Hang-seo và Philippe Troussier.

Sự chặt chẽ được tôn thờ

Theo Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản Kozo Tashima, điểm nổi bật trong triết lý của HLV Philippe Troussier là sự chặt chẽ. Các tuyến chơi rất gần nhau, cả về chiều ngang lẫn chiều dọc. Cự ly giữa cầu thủ chơi cao nhất và thấp nhất chỉ là 30 mét. Cả đội sẽ di chuyển cùng nhau theo một khối ở mọi khu vực trên sân.

"Từ mà ông Troussier luôn dùng khi chuẩn bị cho đội bóng trước trận là chặt chẽ", ông Tashima chia sẻ. "Nguyên tắc này là cốt lõi với người Nhật, bởi chúng tôi không có thể lực tốt như đối thủ."

Có hai điểm yếu lớn trong cách chơi này. Thứ nhất, đội hình này rất dễ tổn thương nếu đối phương có khả năng đảo cánh ở tốc độ cao và cánh đối diện là một chân chạy cánh có khả năng xuyên phá cao. Bởi với đội hình co cụm về một phía, họ sẽ không kịp xoay xở khi bóng được luân chuyển sang phía còn lại.

Thứ hai là khoảng trống lớn ở phía sau hàng thủ. Lí do là bởi hàng thủ cũng phải dâng lên theo khối để đảm bảo cự ly đội hình. Để đối phó với điểm yếu này, Troussier sử dụng "nguyên lý 3 mét", tức là các trung vệ phải giật về sau khoảng 3 mét khi đối thủ có ý định đưa bóng ra phía sau.

HLV Troussier từng có những tháng ngày thành công khi dẫn dắt ĐT Nhật Bản

Đội bóng của Troussier cũng tỏ ra rất chặt chẽ ở mặt trận tấn công. Chẳng hạn khi một cầu thủ rời khỏi vị trí để chạy chỗ, người bên cạnh phải trám lấy khoảng trống. Một cầu thủ khác lại trám vào vị trí người kia bỏ lại. "Troussier giúp các cầu thủ hình thành thói quen hoán đổi vị trí để thực hiện điều này một cách tự động", ông Tashima nói thêm.

Về cơ bản, những phương pháp của ông Troussier không khác nhiều so với HLV Park Hang-seo, đặc biệt là ở hệ thống 3-4-3. Tuy nhiên, nhà cầm quân người Pháp muốn đội bóng chơi chủ động hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn. Nó khác so với đội hình ra sân để không thua trước đã của chiến lược gia người Hàn Quốc.

Những khác biệt cơ bản trong cách quản trị nhân sự

Có một điều dễ thấy: Hai HLV thành công nhất từ trước đến nay của ĐT Việt Nam là Henrique Calisto và Park Hang-seo đều là những người quản lý cầu thủ và tập thể dựa trên tình cảm gia đình.

Theo cựu thành viên BCH VPF Lê Minh Dũng, họ chính là “những ông bố thứ hai của các cầu thủ và lãnh đạo tập thể bằng bầu không khí mang tính chất gia đình”. “Dù một người đến từ phương Tây (ông Calisto), còn một người đến từ phương Đông (ông Park), cả 2 đều đã có kinh nghiệm làm việc ở châu Á và đều thành công với ĐT Việt Nam nhờ phương pháp quản lý này,” ông Dũng nói.

HLV Troussier không phải người như vậy. Ông thường duy trì một khoảng cách nhất định. Điều đó có thể không đem đến sự gần gũi cho các cầu thủ, nhưng bù lại họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong sinh hoạt.

Ông Troussier và HLV Park có những khác nhau cơ bản trong cách quản trị con người

Tiếp đến, ông Troussier sẵn sàng đưa ra những thử nghiệm với các tài năng trẻ. Điều này trái ngược hoàn toàn với ông Park, một người thích sử dụng một tệp cầu thủ nhất định. Từng đi rất nhiều nơi trong sự nghiệp như dẫn dắt Marseille, vô địch châu Á và tham dự World Cup cùng ĐT Nhật Bản, ông Troussier đến Việt Nam vì muốn giúp nền bóng đá xứ sở trở nên tốt đẹp hơn, chứ không phải vì muốn thể hiện tốt ở đây để tìm chỗ khác hay tìm mọi cách để đảm bảo thành tích.

Tất nhiên, phải có thành tích thì mới nói chuyện tiếp được. HLV Park Hang-seo từng nói một câu rất thấm thía: Người Việt Nam yêu bóng đá chiến thắng. Chiến lược gia người Hàn Quốc đã làm rất tốt điều này. Giờ quả bóng đang ở trong chân người kế nhiệm, HLV Philippe Troussier.