Quang Hải nên đi đâu: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu u?

Tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã không gia hạn hợp đồng với CLB Hà Nội và có vẻ như đang muốn ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên, anh sẽ chọn lựa bến đỗ tiếp theo của mình như thế nào? Hiện đang có 4 phương án cho ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam lựa chọn. Đó là sang Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Đầu tiên là Thái Lan. Đây là nền bóng đá cùng thuộc khu vực Đông Nam Á như Việt Nam. Thực tế là giải VĐQG Thái Lan (Thai.League) cũng không có quá nhiều khác biệt với V.League. Các đội bóng đều đã lên chuyên từ khá lâu nhưng trình độ vẫn chưa thể thoát khỏi tầm khu vực.

Có thể Thai.League lên chuyên sớm hơn V.League và ít nhiều thành công hơn. Nhưng để nói đây là một bước tiến mới trong sự nghiệp của Quang Hải thì không chính xác.

Nếu tiền vệ 25 tuổi này đầu quân cho một đội bóng của Thái Lan, anh có thể vẫn nhận mức lương bằng hoặc cao hơn một chút so với tại CLB Hà Nội. Về chuyên môn, anh cũng khó lòng nâng cao năng lực của mình khi mặt bằng chung của Thai.League cũng không cao hơn V.League là mấy.

Một lý do nữa khiến Quang Hải khó sang Thai.League là những thất bại của các đồng đội tại giải đấu này. Thủ môn Đặng Văn Lâm từng kết thúc mối lương duyên với Muangthong bằng kiện cáo, còn Lương Xuân Trường lặng lẽ rời Buriram với chỉ 9 lần ra sân.

Trước đó, một vài cầu thủ nữa cũng từng rời V.League đến Thai.League như Huỳnh Kesley Alves, Hoàng Vũ Samson và Michal Nguyễn. Tất cả đều thất bại. Thêm các trường hợp của Xuân Trường và Văn Lâm, hầu hết cảm thấy Thái Lan không phải miền đất hứa.

Trên trang ASEAN Football Community, một chuyên gia về bóng đá Việt Nam từng chỉ ra 4 lý do. Đầu tiên là mối quan hệ gia đình gắn bó, tiếp đến là nỗi lo lắng về việc thích nghi, sự ngăn cản của CLB chủ quản và nhất là thách thức phải cạnh tranh ở môi trường mới.

Việc đầu tư số tiền lớn cho 1 suất cầu thủ ASEAN đồng nghĩa với áp lực và tính đào thải rất cao. Trước khi phá hợp đồng để sang Cerezo Osaka, Đặng Văn Lâm đã trở thành lựa chọn thứ hai sau Somyorn Pot ở Muangthong. Còn tại Buriram, suất Đông Nam Á của Xuân Trường sớm được chuyển cho tiền vệ Kevin Ingreso của Philippines.

Thực tế là vào năm 2019, Quang Hải đã từ chối cơ hội thi đấu tại Thái Lan. Hồi tháng 10/2019, nhật báo Siamsport (Thái Lan) khẳng định Quang Hải đã nhận được rất nhiều lời mời từ các CLB Thái Lan nhưng cầu thủ này đã 'từ chối'.

Điểm đến khả dĩ tiếp theo của Quang Hải là K.League. Ngay sau khi có thông tin Quang Hải không ký mới với CLB Hà Nội và muốn ra nước ngoài thi đấu, Trưởng nhóm nội dung tiếng Anh của K-League Ryan Walters, thúc giục các CLB Hàn Quốc nhanh chân chiêu mộ tiền vệ này.

"Quang Hải xứng đáng đá chính nếu sang K-League", Walters cho biết. "Nhưng vấn đề vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào bến đỗ mới của cậu ấy. Nếu Quang Hải gia nhập CLB cạnh tranh chức vô địch như Jeonbuk hay Ulsan, tôi nghĩ cậu ấy khó đá chính. Còn nếu chọn các CLB tầm trung, cậu ấy chắc chắn đá chính".

Hiện chưa có CLB Hàn Quốc nào chính thức bày tỏ sự quan tâm với Quang Hải, theo Walters. "Jeonbuk và Ulsan đang không cần mẫu cầu thủ như Quang Hải", ông nói. "Nhưng có vài CLB sẽ cần cậu ấy. Nhưng tôi không chắc liệu họ có vào cuộc không. Vẫn chưa có CLB Hàn Quốc nào dùng suất cho cầu thủ Đông Nam Á".

K-League có 12 đội, mỗi đội được phép có tối đa 5 cầu thủ ngoại, trong đó có một cầu thủ châu Á và một Đông Nam Á. Có 8 CLB dùng suất cho cầu thủ châu Á, nhưng chưa đội nào chiêu mộ cầu thủ Đông Nam Á. Còn ở Nhật Bản, có hai cầu thủ Đông Nam Á đang thi đấu tại J-League là Chanathip Songkrasin (Thái Lan) và Đặng Văn Lâm.

Walters từng cho rằng K-League nên chiêu mộ các cầu thủ nổi bật ở Đông Nam Á để quảng bá giải đấu, như Nhật Bản đang làm. Phần thưởng cho nhà vô địch J-League năm 2019 cao gấp 20 lần nhà vô địch K-League.

Chuyên gia này cho rằng Quang Hải xứng đáng chơi ở K-League, đơn thuần về chuyên môn. "Tôi nghĩ Quang Hải có tốc độ tốt khi chơi bên cánh", ông nói thêm. "Cậu ấy đọc trận đấu rất tốt, biết cách tạo ra cơ hội cho bản thân và đồng đội bằng những đường chuyền hợp lý. Tôi nghĩ khả năng chuyền bóng của Quang Hải tốt hơn so với mọi người vẫn nghĩ. Và dĩ nhiên cậu ấy cũng rất nguy hiểm khi sút phạt".

Nhưng Walters cũng lường trước Quang Hải sẽ gặp khó khăn với lối chơi thể lực ở Hàn Quốc. "Các cầu thủ đến K-League chơi bóng thường bất ngờ vì phong cách đậm tính thể lực của các CLB Hàn Quốc", Walters nhận xét. "Mọi cầu thủ ngoại ở K-League đều thấy như vậy, bất kể họ đến từ đâu. Nếu chơi ở đây, Quang Hải chắc chắn sẽ có ít thời gian với bóng hơn".

Việt Nam từng có hai cầu thủ chơi bóng ở K-League là Lương Xuân Trường (Incheon United, Gangwon FC) và Nguyễn Công Phượng (Incheon United). Họ chơi tổng cộng 14 trận, trung bình 51 phút mỗi trận, không ghi bàn nào. Trong lịch sử, cũng chỉ có 5 cầu thủ Đông Nam Á từng chơi ở K-League, là Piyapong Pue-on, Sasalak Haiprakhon (Thái Lan), Alvaro Silva (Philippines) và Xuân Trường, Công Phượng.

"Nếu sang Hàn Quốc, Incheon sẽ là bến đỗ lý tưởng với Quang Hải", Walters dự đoán. "Họ đã từng đưa vài cầu thủ Việt Nam sang đây, và Incheon cũng gần thủ đô Seoul, nên Quang Hải sẽ sinh sống dễ dàng hơn. Đội này cũng có trung phong cắm Stefan Mugosa, nên Quang Hải sẽ ít chịu áp lực hơn nếu ở các CLB khác".

Một phương án khác cho Quang Hải là tới Nhật Bản. Thực tế, giải J.League cũng có trình độ tương đương với K.League nhưng đặc tính lại có sự khác biệt lớn. Trong khi K.League thiên về thể lực thì J.League lại thiên về kỹ thuật hơn. Và điều này rất phù hợp với mẫu cầu thủ thi đấu thiên về kỹ thuật như Quang Hải.

Hồi tháng 1/2022, nhật báo thể thao Thái Lan Buaksib tiết lộ CLB Consadole Sapporo của Nhật Bản từng nhắm đến Quang Hải hoặc Supachok Sarachat để thay thế vị trí Chanathip sau khi cầu thủ này chuyển sang thi đấu cho Kawasaki Frontale.

Dẫu vậy, cơ hội xuất ngoại thi đấu cho các đội bóng tại Nhật Bản của Quang Hải sẽ là rất khó khăn ở thời điểm hiện tại. Mới đây, truyền thông Thái Lan đã chỉ ra trở ngại lớn nhất ngăn cản cầu thủ của ĐT Việt Nam nói riêng cũng như Đông Nam Á nói chung để cập bến xứ sở mặt trời mọc.

Cụ thể, tờ Siam Sports có bài viết phân tích về khả năng gia nhập các đội bóng Nhật Bản: “Hiện tại, phía Nhật Bản đang siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19. Họ cấm 100% người nước ngoài không có thị thực nhập cảnh vào đất nước này.

Vì vậy, thị trường mua bán cầu thủ rất khó khăn. Do đó, hầu như không thể nhập khẩu cầu thủ nước ngoài. Những tân binh đến với CLB J.League hầu hết đều đã có visa từ trước".

Nếu như việc sang Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ không mang tới quá nhiều khác biệt cho Quang Hải thì sang châu Âu có thể là một bước ngoặt nhưng cũng là thách thức thực sự.

Thực tế là bóng đá Việt Nam cũng từng có nhiều cầu thủ xuất ngoại sang châu Âu thi đấu nhưng thành công thu về là rất khiêm tốn nếu không muốn nói là vô cùng nhạt nhòa.

Có thể nói từ trước tới nay, việc các cầu thủ Việt xuất ngoại và thi đấu tốt ở các giải đấu trong khu vực và châu lục đã khó, chứ chưa nói là được sang trời Âu thi đấu. Việc được thi đấu tại trời Âu thực sự vẫn là một giấc xa vời với các cầu thủ Việt.

Thách thức lớn nhất trong hành trình tới châu Âu thi đấu và tỏa sáng của các cầu thủ Việt chính là vấn đề thể hình, thể lực. Chưa kể với đó, khi phải sang một môi trường mới, văn hóa mới, ngôn ngữ mới, chắc chắn đó cũng là những thử thách với các cầu thủ Việt. 

Như HLV Alfred Riedl chia sẻ. “Tôi nghĩ không có vấn đề gì nếu các cầu thủ Việt Nam thi đấu ở những nước khác nhau trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng nếu họ nhận lời đề nghị từ các giải đấu có trình độ cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc thì sẽ khó khăn hơn. Bởi cầu thủ Việt Nam sẽ phải đáp ứng cả hai tiêu chí là kỹ thuật và thể chất.

Thử thách sẽ càng lớn hơn nếu lời mời đó đến từ một giải đấu ở châu Âu. Sẽ có một loạt các vấn đề mà cầu thủ Việt Nam phải đối mặt như thời tiết, khẩu vị, sức khỏe. Tốt hơn hết là cầu thủ đó không nên đi một mình mà cần có 2 người để hỗ trợ lẫn nhau”.

Lời nhắn nhủ của ông Riedl cũng là những gì mà các cầu thủ Việt đang lo ngại. Chúng ta không chỉ gặp bất lợi về thể hình, thể lực, sức mạnh mà ngoại ngữ vốn không phải là điểm mạnh của phần đông cầu thủ Việt khi hòa nhập với một đội bóng mới tại châu Âu.

Ông Jernel Kamensek, chuyên gia môi giới cầu thủ người Slovenia, cũng chia sẻ quan điểm của mình về cầu thủ và bóng đá Việt Nam. Theo đó, ông chỉ ra lý do vì sao các cầu thủ của Việt Nam hầu như không có cơ hội sang châu Âu thi đấu, và chừng nào vẫn còn thực trạng đó, thì cơ hội giành vé dự World Cup của bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ mà thôi.

Theo Kamensek, người đã có nhiều năm làm việc với bóng đá Việt, không có CLB châu Âu nào muốn bỏ dù chỉ 1 euro để mua cầu thủ Việt Nam. Lý do là các đội châu Âu thường hướng đến các thị trường cấp thấp như châu Á với mục tiêu tìm những cầu thủ giá rẻ có tiềm năng phát triển để đào tạo rồi bán lấy lời, nhưng cầu thủ Việt khi đủ khả năng sang châu Âu rồi thì hầu như không còn tiềm năng phát triển.

Cầu thủ Việt thường đạt giới hạn của họ khi mới chỉ 23-24 tuổi, do vậy không hứa hẹn lợi ích kinh tế. Họ cũng có thể chất không ấn tượng, đặc biệt với yêu cầu cường độ vận động mạnh.

Ngay cả Quang Hải, cầu thủ giỏi nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại, cũng không đủ trình độ để đá chính tại châu Âu, theo nhận định của Kamensek.

Rõ ràng để có chỗ đứng tại đội bóng mới sau khi xuất ngoại thì ngoài những sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, Quang Hải cần phải tìm được đội bóng phù hợp, có thể tạo điều kiện cho bản thân thi đấu thường xuyên. Nếu ra nước ngoài mà chỉ để đánh bóng băng ghế dự bị thì nó sẽ là điều vô cùng nguy hiểm với sự nghiệp của cầu thủ sinh năm 1997.

Nói tóm lại, Quang Hải sẽ trưởng thành rất nhanh nếu ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên anh cần chọn bến đỗ phù hợp để được ra sân một cách thường xuyên. Chỉ có như vậy mới giúp anh có sự trải nghiệm và tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Bằng không, việc xuất ngoại cũng chẳng để làm gì.

 Thanh Lâm