Xoay vòng đội trưởng: Cách “khích tướng” độc đáo mà HLV Kiatisak học từ Brazil?

Chủ nhân của tấm băng thủ quân không chỉ giữ vai trò như một người thủ lĩnh của tập thể mà còn là một cánh tay nối dài của HLV trưởng trên sân cỏ.

Họ gánh trên vai trách nhiệm của người truyền lửa, là ngọn hải đăng về tinh thần mà tất cả các đồng đội trông vào khi đội bóng gặp khó khăn. Trong hầu hết trường hợp, tấm băng thủ quân sẽ được “chọn mặt gửi vàng” và trao cố định cho một cầu thủ xứng đáng nhất. Tuy nhiên cũng có những đội bóng sử dụng phương pháp “xoay vòng đội trưởng” mà Hoàng Anh Gia Lai của HLV Kiatisak chính là ví dụ mới nhất.

Tấm băng thủ quân của HAGL vài trận vừa qua không thuộc về một cá nhân cố định

Tại các trận đấu thuộc khuôn khổ AFC Champions League 2022, đội bóng phố núi đã có 5 cầu thủ đeo băng thủ quân sau 4 trận đấu. Tiền vệ Tuấn Anh là người đeo băng đội trưởng HAGL trong trận mở màn gặp Yokohama F.Marinos. Cũng ở trận đấu đó, Xuân Trường là người tiếp quản vị trí thủ quân sau khi vào sân thay chính người bạn thân. Sau đó đến trận đấu với Sydney FC, đến lượt Công Phượng là người giữ băng đội trưởng. Trong trận gặp Jeonbuk Hyundai Motors đầu tiên, Văn Toàn là người dẫn đầu đội bóng bước ra sân thi đấu còn ở trận tái đấu với đội bóng Hàn Quốc sau đó, Vũ Văn Thanh lại là người đeo trên tay tấm băng thủ quân.

Việc một đội bóng có tới 5 đội trưởng chỉ sau 4 trận là một điều hiếm thấy ở bóng đá Việt Nam. HLV Kiatisak chia sẻ về điều này: “5 người giữ băng thủ quân là 5 tuyển thủ quốc gia có kinh nghiệm và đều có trách nhiệm với đội bóng. Các bạn ấy luôn sẵn lòng vì tập thể, cùng giúp đỡ lẫn nhau cũng như giúp đội bóng tốt hơn".

Công Phượng là một trong số các cầu thủ giữ băng thủ quân của đội bóng phố núi

Lý do chính khiến hầu hết mọi đội bóng đều đặt ra một “ban cán sự” cố định, trong đó người đeo băng thủ quân luôn là vị trí rất khó thay thế, là để duy trì sự ổn định và tính kỷ luật trong nội bộ. Việc thay đội trưởng thường được xem là một hành động “thừa nhận” tập thể đang có sự bất ổn, hoặc mối quan hệ cá nhân giữa HLV trưởng và thủ quân “có vấn đề”, hoặc người từng đeo băng thủ quân vướng vào một rắc rối nghiêm trọng. Do đó, việc thay thủ quân thường được cân nhắc một cách rất kỹ càng. Ví dụ như trường hợp của Harry Maguire, trung vệ của M.U dù thể hiện phong độ tồi tệ và có rất nhiều ý kiến cho rằng anh không xứng đáng đeo tấm băng thủ quân của “Quỷ đỏ” nữa, nhưng cầu thủ sinh năm 1993 hiện tại vẫn chưa bị “tước quyền lực”. Arsenal từng tước băng thủ quân của Granit Xhaka và Aubameyang, đều là ở các trường hợp “giọt nước tràn ly” không thể cứu vãn.

Việc xoay vòng tấm băng thủ quân, do đó có thể dẫn tới một cuộc “khủng hoảng quyền lực” khi có quá nhiều “người lãnh đạo” trong phòng thay đồ, dễ nảy sinh mâu thuẫn nội bộ. Nhưng trong trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai, đó lại không phải vấn đề đáng lo ngại với thầy Kiatisak. Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Thanh, Văn Toàn là những người ăn tập, gắn bó với nhau từ bé. Họ không chỉ là đồng đội, đồng môn mà không khác gì anh em một nhà. Sự thân thiết giữa họ là một đảm bảo cho việc xoay vòng băng đội trưởng của HLV Kiatisak sẽ không làm nảy sinh những rắc rối về mối quan hệ giữa các cầu thủ.

Tuấn Anh là người thường giữ vai trò đội trưởng của HAGL tại V.League

Tuy nhiên, quyết định và hành động của nhà cầm quân người Thái Lan phải đến từ một nguyên nhân nào đó. Trước khi tiếp tục đi sâu vào vấn đề của Hoàng Anh Gia Lai, hãy nhớ lại một đội bóng từng áp dụng chế độ “xoay vòng đội trưởng” là Brazil của HLV Tite ở thời điểm mà nhà cầm quân này mới lên dẫn dắt Selecao.

Trong 21 trận đấu đầu tiên dưới thời HLV Tite, Brazil đã có tổng cộng 14 đội trưởng khác nhau. Ban đầu, vị HLV 57 tuổi này chỉ muốn “xoay vòng” đội trưởng một thời gian trước khi chọn ra cầu thủ thích hợp nhất. Tuy nhiên dần dần, ông trao cơ hội cho tất cả các học trò. Ngay tại giải đấu lớn như World Cup 2018, HLV Tite cũng tiếp tục chính sách nói trên. Ông quyết định trao băng đội trưởng Brazil trong trận ra quân gặp Thụy Sỹ cho Marcelo. Trận thứ 2 gặp Costa Rica, đến lượt Thiago Silva. Trận thứ 3 gặp Serbia, Miranda nhận nhiệm vụ. Đến vòng 1/8 gặp Mexico, Thiago Silva quay lại giữ tấm băng thủ quân và đến trận cuối cùng trên hành trình của Brazil tại World Cup 2018 là cuộc đối đầu với Bỉ ở tứ kết, Miranda lại là đội trưởng.

Cho đến khi Tite chính thức giao tấm băng thủ quân cho Neymar vào tháng 9/2018, đã có khoảng 15 cầu thủ Brazil nhận vinh dự dẫn đầu các đồng đội ra sân. Trong đó có cả những gương mặt “lão làng” như Dani Alves, Thiago Silva cho đến các cầu thủ trẻ như Gabriel Jesus. Theo lời Tite, việc xoay vòng băng đội trưởng sẽ giúp cho các cầu thủ cảm thấy có trách nhiệm hơn với đội bóng. Sức nặng từ tấm băng thủ quân buộc những người đeo nó trên tay phải chiến đấu hết mình vì sự kiêu hãnh và niềm vinh dự lớn lao, hay nói một cách nôm na là “đá để đồng đội còn nhìn vào”.

Thiago Silva là một trong số các đội trưởng của ĐT Brazil ở World Cup 2018

Vào thời điểm Tite tiếp quản ĐT Brazil, ông đang cần “kích hoạt” lại sự kiêu hãnh của Selecao, đội bóng duy nhất từng 5 lần vô địch thế giới đã bị tổn thương nghiêm trọng sau thất bại ở World Cup 2014 trên sân nhà. Selecao tiếp tục thể hiện một bộ mặt yếu kém dưới sự dẫn dắt của HLV Dunga, người tiền nhiệm của Tite. Tiếp quản ghế nóng, Tite cần có những hành động để khơi dậy lại nhiệt huyết của những cầu thủ trụ cột trong đội hình và một trong những “chiêu thức” của ông là xoay vòng băng đội trưởng.

Tất nhiên cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Bản thân HLV Tite cũng đã phải nhận rất nhiều lời chỉ trích sau khi Brazil bị Bỉ loại khỏi tứ kết World Cup 2018, một trong số đó là việc Brazil không có một thủ lĩnh đích thực nào cả. Tấm băng đội trưởng khi trao tay hết người này đến người khác rất dễ mất đi ý nghĩa thực sự của nó, mà trở thành một thứ “huy hiệu quyền lực” hữu danh vô thực.

Miranda tiếp nhận băng thủ quân trong trận đấu cuối cùng của Brazil tại World Cup 2018 trước Bỉ ở vòng tứ kết

Bây giờ hãy cùng trở lại với Hoàng Anh Gia Lai. Trước khi bước vào AFC Champions League, đội bóng phố núi đã trải qua một khởi đầu khó khăn tại V.League 2022. Trái với sự hứng khởi được thể hiện ở mùa 2021, HAGL thi đấu thật sự vô cùng chật vật. Trước khi V.League tạm hoãn để phục vụ các đội tuyển, đoàn quân của HLV Kiatisak đã chơi 4 trận với thành tích hòa 3 và thua 1, đứng thứ 9/13 đội. Thậm chí, suốt 3 vòng đầu tiên, HAGL không ghi được bàn nào, điều chưa từng xảy ra với họ trong lịch sử 20 năm dự V.League.

Rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để mổ xẻ cho sự sa sút đáng ngạc nhiên của HAGL ở đầu mùa giải này. Một trong những lý do dễ nhận thấy là việc các trụ cột của đội bóng phố núi bị quá tải cả về thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến “chán bóng đá”. Điều này đã được chính HLV Kiatisak thừa nhận khi mùa giải mới vừa khởi tranh: “Về mặt chiến thuật thì không có vấn đề gì, tôi chỉ sợ các cầu thủ chán bóng đá. Các tuyển thủ đã tập trung cho đội tuyển khá lâu, và khi họ trở về thì tôi phải làm sao cho các cầu thủ có động lực thi đấu, tận hưởng thời gian trên sân”.

Các cầu thủ trụ cột như Xuân Trường đã thể hiện tinh thần thi đấu tiến bộ trông thấy so với giai đoạn khởi đầu V.League

Khi tinh thần đã không tốt, những trận đấu có kết quả không như ý lại càng khiến các cầu thủ đánh mất sự tự tin. Nhiệm vụ quan trọng nhất của HLV Kiatisak chính là khơi dậy sự tự tin, niềm hứng khởi và tinh thần thi đấu của các học trò. Trong đó, nhóm trụ cột gồm 5 cầu thủ Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh chính là những người quan trọng nhất. Họ không chỉ là ngôi sao, tuyển thủ quốc gia mà còn là những biểu tượng của đội bóng. Để kéo cả đội đi lên, nhóm 5 người này chính là đầu tàu. Nhưng làm thế nào để họ lấy lại được cảm hứng là một bài toán không dễ để giải, và quyết định “xoay vòng đội trưởng” là một ý tưởng rất thú vị của HLV Kiatisak.