Martin Lò và chặng đường chông gai trở về Việt Nam của cầu thủ tung hoành A-League

Sau Đặng Văn Lâm và Mạc Hồng Quân, có thể nói Martin Lò là cầu thủ Việt kiều được chú ý nhiều nhất khi tìm cơ hội chơi bóng ở Việt Nam. Tuy nhiên, những chấn thương và sự khác biệt về môi trường bóng đá đang khiến sự nghiệp của anh có phần chững lại.

“Tên tôi là Martin Lò, chứ không phải là Lo hay Lô,” cầu thủ sinh năm 1997 bắt đầu cuộc nói chuyện với Nhân dân. “Bố tôi là Lò Văn Hùng, còn mẹ họ Nguyễn.”

“Quê gốc nhà tôi ở Thái Bình. Giữa thế kỷ trước, ông bà vào miền Nam lập nghiệp ở Rạch Giá, Kiên Giang. Sau này, bố mẹ quyết định đưa cả nhà sang Australia, lúc đó tôi chưa ra đời, mà chỉ có anh cả và chị hai thôi.”

Sinh ra ở Australia, nhưng Martin lại chọn theo đuổi bóng đá, dù đó không phải là môn thể thao số một tại quốc gia này.

“Lúc 5-6 tuổi, tôi thường thấy bố và anh trai xem bóng đá mỗi cuối tuần trên TV, nên tôi dần yêu thích môn thể thao này, dù ở Australia, rugby hay cricket mới là những môn đại chúng,” anh chia sẻ với VnExpress.

“Tôi luôn là đứa thấp bé nhất từ ngày đi học, có lẽ do cơ địa của mình chỉ đến thế, mà thể hình không phải yếu tố quan trọng nhất trong bóng đá.”

Khi còn nhỏ, Martin được biết đến như một cậu bé năng động, thông minh. Ngoài việc học ở trường, cậu thường dành thời gian chơi bóng cùng những người bạn cùng khu phố. Năm 7 tuổi, cậu bé gốc Việt bắt đầu gia nhập CLB địa phương. Sau đó, anh chơi gần như tất cả các vị trí trên sân và định hình bản thân như một tiền vệ vào năm 10 tuổi. 

Sau nhiều năm chơi bóng ở các cấp đội từ địa phương lên toàn quốc, năm 15 tuổi, Martin có cơ hội thử việc tại đội trẻ Wester Sydney Wanderers. “Tôi tập thử tới ngày thứ hai thì HLV đội một Tony Popovic - cựu trung vệ từng khoác áo Crystal Palace giai đoạn 2001-2006 - tới thị sát,” anh nhớ lại.

“Ông tới chỗ tôi, xoa đầu và hỏi: ‘Sáng mai cậu có bận gì không?’. Tôi bảo mình có tiết học ở trường, nhưng ông ấy bảo: ‘Nghỉ đi, tới tập với đội một nhé.’

Sau đó là những tin vui liên tiếp ập đến. Sau một tuần tập với những cầu thủ nổi danh như huyền thoại người Nhật Bản Shinji Ono hay cầu thủ giàu kinh nghiệm ở Premier League Aaron Mooy, Martin Lò được triệu tập lên ĐT U20 Australia, đồng thời có cơ hội đá chính ở đội một Western Sydney Wanderer, khi một cầu thủ trụ cột của đội dính chấn thương.

Mặc dù vậy, những “chuỗi ngày bi kịch” (cụm từ Martin dùng để miêu tả giai đoạn sau của sự nghiệp với VnExpress) cho thấy những niềm vui ở trên chỉ như bình minh giả tạo.

Trước trận đấu 1-2 ngày, Martin Lò bị đau ở cơ háng. Sau khi đi khám, anh mới biết mình bị rách cơ. Đây là hệ quả của việc Martin đã tập luyện, sinh hoạt ở cường độ quá cao trong khi mới 14-15 tuổi. Như chính anh tóm tắt lại, “ý chí có thừa, nhưng cơ thể thì chưa sẵn sàng.”

Cầu thủ quê gốc Thái Bình cũng thường xuyên nói dối các nhân viên theo dõi sức khỏe về tình trạng của mình, vì sợ vuột mất cơ hội ra sân. Những cơn đau nhức, mệt mỏi của cơ thể cứ dần tích tụ dẫn đến chấn thương ở trên, khiến anh phải rời xa sân cỏ 8 tháng.

Đến khi trở lại, HLV Popovic tiếp tục đặt niềm tin vào Martin và điền tên anh dự AFC Champions League 2014. Tuy nhiên anh lại đen đủi dính chấn thương đứt dây chằng. Thêm 9 tháng ngồi ngoài, khiến anh không chỉ lỡ đợt tập trung cùng đội U20 Australia, mà còn vắng mặt trong chiến dịch lịch sử đăng quang AFC Champions League của đội. Cho tới thời điểm hiện tại, Western Sydney Wanderers vẫn là đội bóng Australia duy nhất vô địch châu Á. 

Ban lãnh đạo đội bóng cảm thấy sự rủi ro ở một cầu thủ chấn thương triền miên. Khi anh trở lại, Popovic gọi anh vào phòng và chơi bài ngửa: “Giờ chỉ có hai phương án cho cậu. Một là tập chay không có hợp đồng, hai là tìm đội bóng mới". 

Mặc dù ông khuyên anh nên ở lại, tự ái của một đứa trẻ xốc nổi khiến Martin Lò cảm thấy ấm ức. Anh lập tức chuyển tới khoác áo Sydney FC, đối thủ không đội trời chung của Western Sydney Wanderers. 

Trước khi đi, Popovic có nhắn nhủ anh đừng cố bung sức tập luyện, nếu không vết đau cũ sẽ tái phát. Nhưng một lần nữa, sự hăng máu của tuổi trẻ khiến Martin tập luyện điên cuồng ở đội bóng mới. Nó giúp anh tiếp tục được đội U20 quốc gia triệu tập, nhưng cũng khiến anh không thể đi lại nổi trong phòng; thậm chí phải nằm viện và truyền kháng sinh trong ngày sinh nhật tuổi 18.

Dính ba chấn thương nặng khi chưa tròn 18 tuổi, sự nghiệp bóng đá ở Australia đã khép lại với cầu thủ này. Nền bóng đá ở “xứ sở chuột túi” cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đó, khi tiền tài trợ ngày một giảm, đài truyền hình không còn mặn mà, buộc các CLB phải tái cơ cấu. Đó cũng là lúc Martin Lò quyết định tìm hướng đi mới cho sự nghiệp của mình.

“Một người đại diện quốc tịch Australia sống ở Việt Nam đã liên lạc với tôi từ năm 2013. Nhưng khi ông ấy bảo tôi về Việt Nam thử sức, tôi đã từ chối. Lúc đó, tôi chỉ có thể tin vào bản thân và lời khuyên của Tony - anh trai kế và là người có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời tôi.

Theo lời nhận xét của Martin, Tony chơi bóng “hay hơn anh”, thậm chí còn nhận học bổng toàn phần theo diện “vừa đá bóng vừa đi học” (college soccer) ở Mỹ. Nhưng rồi anh quyết định theo nghiệp đèn sách sau đó.

“Tony từng nói với tôi rằng nếu có thể hãy về Việt Nam, hoàn thành giấc mơ của anh ấy và chứng tỏ rằng mình có thể tồn tại ở đây,” Martin nói.

“Chứng kiến hành trình kỳ diệu của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018, cũng như bầu không khí cuồng nhiệt của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam, tôi bắt đầu bị ý nghĩ trở về quê hương chơi bóng thôi thúc,” anh chia sẻ với Báo Giao thông.

Để có tiền trang trải cho chuyến đi ba tháng sang Việt Nam, Martin Lò đã phải kinh qua vô số công việc ở tuổi 21. 

“Ở Úc, tôi đi làm HLV bóng đá cộng đồng và kinh doanh áo phông cùng một người bạn. Sáng đi dạy, chiều bán hàng, tối đá bóng lấy cảm giác và sau đó lại đi dạy tăng ca,” anh nhớ lại.

“Cho tới tuần cuối cùng của hiệu lực visa, tôi vẫn tay trắng. Đúng lúc chuẩn bị khăn gói ra về, Mauro, HLV người Bồ Đào Nha làm việc ở đội U19 Phố Hiến bảo tôi ra Hưng Yên tham quan cơ sở vật chất của CLB. Rồi lãnh đạo đội cũng gọi điện, nói chuyện và trao đổi. Ra Hưng Yên, tới Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam PVF, tôi chỉ thốt lên "Wow". Không một trung tâm nào ở Australia sánh được về tầm vóc và quy mô so với nơi này.

“Phố Hiến không phải là một đội bóng lớn của Việt Nam, nhưng lại được các chuyên gia châu Âu từ PVF hỗ trợ. Đội bóng cũng rất tham vọng nên tôi cảm thấy môi trường ở đây phù hợp để mình phát triển”.

Ngay ở mùa đầu tiên, Martin đã cùng CLB non trẻ này giành quyền đá play-off thăng hạng V-League, cũng như được triệu tập lên đội U22 và U23 Việt Nam. Mặc dù vậy, năm 2019 đối với anh không thành công như mong đợi. “Tôi cảm thấy mình chơi chưa đủ tốt, và minh chứng rõ rệt là không được gọi vào đội U22 dự SEA Games.”

Martin Lò chuyển đến chơi cho Hải Phòng, miền đất hứa của những cầu thủ Việt kiều khi họ sở hữu Adriano Schmidt, Andrey Nguyễn và Michal Nguyễn trong đội hình. “Tôi nghĩ rằng về Hải Phòng, mình sẽ có cơ hội va vấp, trưởng thành hơn,” anh nói.

Tuy nhiên, khi bị HLV chê bai trong hai trận đấu liên tiếp chỉ trong một tuần, cơ hội để bạn va vấp không còn nhiều nữa.

“Martin Lò chơi chưa đạt yêu cầu. Cậu ấy nhận được ít sự hỗ trợ từ đồng đội”, HLV Phạm Anh Tuấn lí giải việc rút anh ra ở phút 60 trong trận khai màn với Thanh Hóa.

5 ngày sau, những lời nhận xét còn nặng nề hơn. “Martin chơi không đúng theo cách của tôi. Cậu ấy chạy lung tung, chưa có sự linh hoạt và quyết liệt cần thiết.”

Trong buổi phỏng vấn trên kênh Youtube Cán Cris, cầu thủ 24 tuổi chia sẻ lí do vì sao anh vẫn chưa thành công ở Việt Nam: “Khi về Việt Nam, tôi đã hơi choáng khi bị truyền thông thổi phồng tên tuổi quá nhiều. Điều đó khiến tôi bị áp lực và cản trở đến chuyên môn chơi bóng.

“Môi trường bóng đá Việt Nam cũng khác ở Australia. Ở Việt Nam các cầu thủ chơi bóng rất rắn, họ sẵn sàng lao vào tôi bất kỳ lúc nào, còn ở Australia thì không như vậy. 

“Tôi đã cố làm quen để thích nghi nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào. Nói thật, nhiều lúc tôi cũng rất sợ chấn thương bởi các cầu thủ ở V.League chơi quá quyết liệt.

"Ai cũng biết lối chơi của Hải Phòng máu lửa như thế nào. Nó không hề phù hợp với những cầu thủ chơi bóng kỹ thuật như tôi. Thể hình cũng là một phần khiến tôi bị hoài nghi trong việc được trao cơ hội ra sân ngay từ đầu.

Ba lần dính chấn thương nặng khi còn đang ở tuổi teen, phải đi dạy bóng đá, đồng thời bán áo phông để kiếm tiền về Việt Nam tìm cơ hội… nếu nói sự nghiệp của Martin Lò được trải hoa hồng, thì anh đang bị những cái gai đau nhất đâm vào.

Mặc dù vậy, như lời khẳng định với VnExpress, anh sẽ “không đầu hàng”. Môi trường hạng Nhất dưới màu áo đội bóng mới Khánh Hòa có thể sẽ phù hợp hơn để Martin làm lại từ đầu.

 Thanh Lâm