Quả bóng Vàng Việt Nam: Sự thay đổi tất yếu vì một giải thưởng công bằng hơn

Danh hiệu quả bóng vàng (QBV) là giải thưởng cá nhân cao quý nhất dành cho một cầu thủ có màn trình diễn tạo nên những ấn tượng đặc biệt trong suốt một năm.

Ra đời từ năm 1995, cho đến thời điểm này các Quả bóng vàng từng được trao cũng không ít lần tạo nên những cuộc tranh luận về chuyện chủ nhân của giải thưởng có thực sự là người nổi trội hơn so với những ứng viên còn lại. Giống như bất cứ một cuộc bình chọn nào, ở bất cứ một lĩnh vực nào, những cuộc tranh cãi về chuyện “ai xứng đáng hơn” luôn tồn tại trước, trong và sau đêm gala trao giải. Mặc dù vậy không thể phủ nhận việc trong thời gian gần đây, những danh hiệu Quả bóng vàng được trao đã mang tính thuyết phục cao hơn đối với số đông người hâm mộ nhờ việc xác định rõ ràng hơn những tiêu chí được đặt ra cho người nhận giải thưởng.

Lê Huỳnh Đức - Người nhận danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam đầu tiên

Lịch sử QBV Việt Nam cho đến thời điểm này ghi nhận Phạm Thành Lương là cầu thủ giành danh hiệu này nhiều lần nhất với 4 lần nhận giải. Xếp sau Lương “dị” là hai chân sút vĩ đại trong lịch sử bóng đá Việt Nam là Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh, cùng có 3 lần nhận danh hiệu này. Những ngôi sao lừng lẫy, “quái kiệt” của bóng đá Việt Nam như Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh, Phạm Văn Quyến, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Minh Phương… cũng đều đã đứng trên bục cao nhất để giành giải thưởng.

Một chi tiết đáng chú ý là trước năm 2010, những giải thưởng QBV được trao thường dựa vào màn trình diễn cá nhân của các cầu thủ trong màu áo đội tuyển quốc gia chứ không phải thành tích ổn định của họ trong suốt một năm thi đấu, tính cả trong màu áo CLB như tiêu chí chính xác nhất của giải thưởng. Thống kê chỉ ra rằng tính từ mùa giải đầu tiên của V.League là mùa 2000/01 cho đến năm 2010, chỉ có đúng 2 trường hợp cầu thủ giành danh hiệu QBV sau khi CLB của họ vô địch V.League, đó là thủ môn Võ Văn Hạnh của Sông Lam Nghệ An năm 2001 và tiền vệ Phan Văn Tài Em của Gạch Đồng Tâm Long An năm 2005.

Phan Văn Tài Em giành QBV sau khi cùng Gạch Đồng Tâm Long An vô địch V.League

Điều này đặt ra một câu hỏi là liệu danh hiệu QBV được trao có thực sự thuyết phục hay không khi một cầu thủ chỉ cần vài màn trình diễn xuất sắc trong màu áo đội tuyển quốc gia có thể giành chiến thắng trước một ứng viên đã có được phong độ ổn định cùng những đóng góp xuyên suốt cả một năm thi đấu. Năm 2006, Gạch Đồng Tâm Long An bảo vệ thành công chức vô địch V.League với đầu tàu là tiền vệ Nguyễn Minh Phương. Tuy nhiên QBV năm ấy lại thuộc về Lê Công Vinh, khi Sông Lam Nghệ An của anh thậm chí còn không lọt vào tốp 3. Công Vinh đã có một trận đấu xuất sắc tại AFF Cup 2007 với cú hat-trick vào lưới đội tuyển Lào, và với việc giải đấu này diễn ra vào đầu năm 2007 chỉ ngay trước lễ bình chọn QBV 2006 chừng 1 tháng, đây là bước ngoặt giúp chân sút xứ Nghệ chiến thắng Minh Phương trong cuộc đua danh hiệu cá nhân.

Trường hợp này khá giống với cuộc đua đến danh hiệu QBV thế giới năm 2013 giữa Cristiano Ronaldo và Franck Ribery. Ribery đã có một mùa giải thành công rực rỡ cùng Bayern Munich khi giành tất cả những danh hiệu lớn cùng đội bóng Đức, từ Champions League, Bundesliga, DFB Pokal, Siêu cúp châu Âu, FIFA Club World Cup. Về mặt cá nhân, “gã mặt sẹo” cũng giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc năm của UEFA, cầu thủ xuất sắc nhất FIFA Club World Cup và nhiều người tin rằng ngôi sao người Pháp sẽ không có đối thủ trong cuộc đua đến danh hiệu danh giá nhất là QBV thế giới. Nhưng tro năm 2013 đó, FIFA đã bất ngờ quyết định gia hạn thời gian bình chọn "QBV" thêm 15 ngày, từ 15/11 đến 29/11/2013. Trong thời gian đó, vòng play-off tranh vé vớt dự World Cup 2014 diễn ra và Cristiano Ronaldo đã tỏa sáng rực rỡ khi ghi đến 4 bàn trong hai lượt trận giúp ĐT Bồ Đào Nha vượt qua Thụy Điển. Màn trình diễn này đã giúp Ronaldo vượt qua Ribery để khúc cua cuối cùng và giành danh hiệu, dù nó gây ra rất nhiều tranh cãi.

Màn trình diễn chói sáng trong màu áo ĐTQG từng giúp Công Vinh vượt lên giành danh hiệu QBV

Quay trở lại với bóng đá Việt Nam và danh hiệu QBV, có thể thấy rất rõ ràng rằng trước năm 2010, màn trình diễn ở đội tuyển quốc gia của các cầu thủ đóng vai trò quyết định trong cuộc đua đến danh hiệu cá nhân cao quý này.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi các trận đấu của đội tuyển Việt Nam có sức lan tỏa rất lớn và có thể đưa một cầu thủ lên tầm cỡ “người hùng dân tộc” sau một vài khoảnh khắc xuất thần đem đến cảm xúc đặc biệt cho người hâm mộ. Và những cầu thủ như thế sẽ có lợi thế cực kỳ lớn trong bất cứ một cuộc bình chọn danh hiệu nào. Nhưng nếu xét trên tiêu chí giải thưởng dành cho cả một năm phấn đấu và cống hiến thì quả thật có những trường hợp “trượt” bóng Vàng một cách rất đáng tiếc chỉ bởi vai trò trên tuyển quốc gia của họ mờ nhạt hơn so với người chiến thắng, thậm chí có những người đá rất tốt ở CLB nhưng lại hiếm hoi cơ hội được góp mặt trên đội tuyển vì không hợp “gu” của HLV trưởng.

Tiêu chí bình chọn danh hiệu đã có nhiều thay đổi sau 2010 để giải quyết sự bất cập đó. Qua 10 lần trao giải với duy nhất năm 2013 không tổ chức bình chọn và trao giải thưởng, đã có tới 6 cầu thủ nhận danh hiệu QBV sau khi cùng đội bóng của mình vô địch V.League. Đó là Huỳnh Quốc Anh (SHB Đà Nẵng, 2012), Phạm Thành Lương (Hà Nội T&T, 2013 và 2016); Nguyễn Anh Đức (Becamex Bình Dương, 2015), Đinh Thanh Trung (Quảng Nam, 2017); Nguyễn Quang Hải (Hà Nội FC, 2018) và Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC, 2019). Trong số này, Quốc Anh, Anh Đức và Thanh Trung đều không phải là những trụ cột ở đội tuyển quốc gia ở thời điểm họ được trao giải. Danh hiệu QBV mà họ nhận được là nhờ những màn trình diễn chói sáng trong suốt một mùa giải ở đội bóng của mình và ghi dấu ấn trực tiếp đến hành trình lên ngôi vô địch quốc gia.

Đinh Thanh Trung giành danh hiệu QBV nhờ màn trình diễn ấn tượng giúp Quảng Nam lên ngôi vô địch V.League 2017

Trường hợp của Văn Quyết năm 2020 cũng là một ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi của việc bình chọn QBV. Hà Nội FC của Quyết không vô địch V.League, anh cũng không phải là một cầu thủ chủ chốt trong đội hình của HLV Park Hang-seo, song danh hiệu QBV mà cầu thủ này nhận được cũng mang tính thuyết phục rất cao vì những đóng góp bền bỉ và đầy hiệu quả của anh trong màu áo Hà Nội FC. Đây là một sự ghi nhận vô cùng xứng đáng cho Văn Quyết, người luôn thể hiện một tinh thần thi đấu chuyên nghiệp và rất cống hiến.

Tất nhiên, người hâm mộ vẫn luôn chờ đợi những “QBV tuyệt đối” khi một cầu thủ vừa chơi hay trong màu áo CLB lại vừa tỏa sáng trong màu áo đội tuyển như Quang Hải và Hùng Dũng trong các năm 2018 và 2019. Bộ đôi của Hà Nội FC vừa là trụ cột trong đội hình giúp CLB của Thủ đô 2 lần đăng quang V.League liên tiếp, đồng thời là những nhân tố quan trọng bậc nhất trong đội hình của HLV Park Hang-seo tại các giải đấu lớn trong hai năm đó như AFF Cup 2018, ASIAD 2018, Asian Cup 2019 và SEA Games 2019. Việc họ giành QBV là điều tất yếu và không thể có bất cứ một tranh cãi nào về những danh hiệu này.

Hùng Dũng và Quang Hải đều chiến thắng tuyệt đối và xứng đáng trong năm mà họ giành QBV

Năm 2021, cuộc bình chọn danh hiệu QBV sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi V.League phải dừng lại giữa chừng vì tình hình dịch bệnh. Do đó, có thể những màn trình diễn của các ứng viên trong màu áo đội tuyển sẽ lại là thước đo để chọn ra người xứng đáng nhất. HLV kỳ cựu Phan Thanh Hùng đưa ra quan điểm: “Tôi cho rằng những trụ cột của đội tuyển Việt Nam đã thi đấu ở vòng loại World Cup và AFF Cup có lợi thế. Việc thường xuyên xuất hiện ở đội hình chính giúp họ trở thành ứng viên sáng giá nhất. Tất nhiên, để đánh giá cầu thủ thì phải dựa vào đóng góp của họ xuyên suốt cả quá trình. Giá trị mỗi cá nhân sẽ được nâng tầm nếu tập thể giành chiến thắng. Kết quả cũng sẽ tạo động lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa”.

Rõ ràng, việc bình chọn danh hiệu QBV ngày càng trở thành một cuộc cạnh tranh công bằng hơn với sự đánh giá xuyên suốt cả quá trình dành cho các ứng viên. Điều này cũng tạo ra động lực để các cầu thủ phải nỗ lực để giữ được phong độ cao trong suốt cả một chặng đường dài nếu muốn trở thành chủ nhân của danh hiệu cao quý này. Sự phấn đấu không ngừng nghỉ của các cầu thủ sẽ khiến cuộc cạnh tranh danh hiệu QBV sẽ ngày càng trở nên gay cấn hấp dẫn hơn, đồng thời cũng tăng tính thuyết phục cho những giải thưởng được trao. Người chiến thắng nên là, và phải là, người xứng đáng nhất, toàn diện trong số tất cả các ứng viên!