Bóng đá Việt Nam bồi dưỡng thế hệ trẻ: Mạnh dạn đổi mới, hướng tới World Cup

Để hướng tới mục tiêu dự World Cup 2026 và phát triển nền bóng đá Việt Nam nói chung, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ là điều cần thiết.

Giai đoạn 2017-2022 một giai đoạn thành công của bóng đá Việt Nam, và để có được thành công như vậy thì công tác đào tạo trẻ những năm trước đó chính là nền tảng cốt lõi. Do đó, để hiện thực giấc mơ World Cup 2026 hoặc tiến xa hơn nữa, bóng đá Việt Nam phải tiếp tục tìm kiếm và bồi dưỡng lứa cầu thủ trẻ sau thế hệ Công Phượng, Quang Hải.

Đây cũng là nhiệm vụ của ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa IX. Nhiệm vụ này không hề đơn giản. VFF cũng phải chịu nhiều sức ép khi các đội trẻ Việt Nam chưa có thành tích tốt trong năm đầu tiên của BCH nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, VFF vẫn kiên định với đường lối của mình bởi đây sẽ là một chặng đường dài.

Những thay đổi mang tính bước ngoặt

Năm 2023, Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) làm những điều chưa từng có trong tiền lệ bóng đá Việt Nam. Đó là xây dựng 3 đội tuyển với đội hình khác nhau để tham dự 3 giải đấu gồm: ASIAD 19, vòng loại U23 châu Á 2024 và giải U23 Đông Nam Á 2023, trong bối cảnh những giải đấu này diễn ra quá gần nhau và trùng với lịch thi đấu V-League.

Để hướng tới mục tiêu dự World Cup 2026 và phát triển nền bóng đá Việt Nam nói chung, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ là điều cần thiết.

Vì cần phải dung hòa lợi ích giữa đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ, nên với một giải đấu không chính thống như U23 Đông Nam Á, cơ hội được trao cho lứa 2003 - 2006. Đây là những cầu thủ có thể phát triển và đạt độ chín vào thời điểm World Cup 2030.

HLV Hoàng Anh Tuấn được tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn dắt đội này, bởi ông là một nhà cầm quân thành công nhất với bóng đá trẻ Việt Nam. Tại giải đấu này, HLV Hoàng Anh Tuấn mạnh dạn trao cơ hội cho nhiều cái tên mới, đồng thời cũng cho các cầu thủ đang có phong độ không tốt như Văn Chuẩn, Văn Khang, Quốc Việt ra sân để tìm lại phong độ.

Trong khi đó tại ASIAD 19, chiến lược của VFF là sử dụng các cầu thủ U20 để tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị cho giai đoạn 3-6 năm tiếp theo. Đây là bước đi hợp lý, bởi những cầu thủ trẻ phải có môi trường cọ xát quốc tế mới nhanh trưởng thành.

Sẵn sàng chấp nhận chỉ trích cho mục tiêu dài hạn

Thực tế, rủi ro về mặt thành tích đã xảy ra khi VFF chấp nhận chọn các cầu thủ quá trẻ để tham dự các giải đấu lớn. Các đội U20 Việt Nam, U17 Việt Nam không vượt qua được vòng bảng ở giải châu Á, trong khi đó Olympic Việt Nam cũng phải dừng bước sớm tại ASIAD 19. Chỉ có một đội vô địch giải U23 Đông Nam Á nhưng như vậy là chưa đủ để thỏa mãn người hâm mộ và dư luận.

Tuy nhiên, xây dựng và phát triển nền bóng đá không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Chia sẻ sau ASIAD 19, HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng chiến lược bóng đá trẻ của VFF hiện tại hoàn toàn đúng đắn. Để hiện thực giấc mơ World Cup, bóng đá Việt Nam không chỉ cần thêm sự đầu tư mà còn cả sự kiên nhẫn từ những người quản lý, các fan hâm mộ.

Tất nhiên, VFF còn rất nhiều điều phải làm với bóng đá Việt Nam nói chung và ĐTQG nói riêng để hướng tới giấc mơ lớn đã đặt ra.

Nguồn: Kênh truyền hình OnSports