Bóng đá Trung Quốc rơi vào khủng hoảng chưa từng thấy, cầu thủ bị nợ lương 7-8 năm
Sau thời kỳ "vung tiền mua sao", bóng đá Trung Quốc hiện rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến người hâm mộ phải lắc đầu ngán ngẩm.
Làng túc cầu Trung Quốc chấn động sau khi hãng truyền thông United Daily News của nước này công bố những thông tin sốc. Theo đó, trong số 16 CLB tại giải Chinese Super League chỉ có đúng 3 đội bóng không bị nợ lương, 13 đội còn lại đều đang nợ ở những mức độ khác nhau. Đáng lo ngại hơn, có đến 6 CLB trong số này đứng trước tình cảnh vỡ nợ và sắp phải giải thể. Có thể nói đây là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử nền bóng đá nước này.
Nhằm ngăn chặn nạn nợ lương, phía LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đã phải ra "lệnh" cho các đội bóng thanh toán tiền lương cho cầu thủ đến tháng 10 năm nay, đồng thời phải có văn bản xác nhận của từng thành viên. Những đội không đáp ứng được sẽ bị cấm tham dự Super League.
Trong số 6 CLB gặp khó khăn, Thâm Quyến (Shenzhen) và Đại Liên (Dalian Pro) là 2 đội đã xuống hạng. Điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ khó giải quyết vấn đề tài chính và gần như chắc chắn phải giải thể.
United Daily News cũng đánh giá rằng việc xuống hạng của CLB Thâm Quyến chính là hệ lụy từ khủng hoảng tài chính. Còn CLB Đại Liên dù đã cố gắng giảm quỹ lương bằng cách không chiêu mộ cầu thủ nước ngoài, song cũng không mang lại hiệu quả gì.
Ngoài Thâm Quyến và Đại Liên, bóng đá Trung Quốc trước đó đã chứng kiến CLB Quảng Châu (Guangzhou) xuống hạng, Hà Bắc (Hebei), Thiên Tân (Tianjin), Jiangsu Suning phá sản và tuyên bố giải thể.
Cũng theo báo cáo của hãng truyền thông Trung Quốc, Thương Châu (Cangzhou) và Chiết Giang (Zhejiang) cũng đang rơi vào tình cảnh ngặt nghèo và khả năng giải thể cũng rất cao. Một số CLB như Changchun Yatai hay Beijing Guoan thì nợ lương ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Thậm chí một số đội bóng ở Super League đã nợ lương cầu thủ từ 7-8 năm trước và hiện tại cũng chưa có khả năng thanh toán.
Tình cảnh éo le về mặt tài chính buộc một số CLB phải xin CFA "khoan dung" ở cuộc họp mới nhất. Các CLB này cho biết cầu thủ sẽ sẵn sàng ký trước vào bảng lương dù CLB chưa đủ tiền thanh toán 10 tháng lương trong năm nay. Nhìn chung cả CFA và các CLB của Trung Quốc đều đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, còn về phía các cầu thủ, không ít người đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
Cách đây vài năm, bóng đá Trung Quốc đã khiến thế giới phải trầm trồ với "kỷ nguyên vàng-nhân dân tệ". Họ không ngại vung tiền tấn để mời chào các ngôi sao lớn trên thế giới, sẵn sàng móc hầu bao trả lương hậu hĩnh cho họ. Nhưng giờ đây, khi việc đầu tư không đem lại hiệu quả cao và nguồn tài chính đã cạn kiệt, cùng với đó là dịch bệnh kéo dài 3 năm đã khiến giải Chinese Super League hiện rơi vào khủng hoảng nặng nề. Các đội bóng gần như không thể tìm nổi nhà tài trợ để vực dậy.
Đáng lo ngại hơn nữa, nợ lương và khủng hoảng tài chính vẫn chưa phải là vấn đề tồi tệ duy nhất với bóng đá Trung Quốc. Tờ United Daily News thẳng thắn nêu ra rằng, người hâm mộ bóng đá nước này đang thực sự mất niềm tin bởi những bê bối tham nhũng, thao túng kết quả, dàn xếp tỷ số hay bạo lực trong bóng đá ngày càng bị phanh phui nhiều hơn.
Người thực hiện: Ngọc Linh
- Vé xem trận đấu cuối cùng của Fereder được bán với mức giá kỷ lục.
- Choáng với số tiền Roger Federer kiếm được nhờ quần vợt
- Roger Federer tuyên bố giải nghệ ở tuổi 41
- Lý Hoàng Nam thêm một lần tạo cột mốc lịch sử cho quần vợt Việt Nam
- “Tiểu Nadal” đi vào lịch sử làng tennis sau chức vô địch US Open
- Thua tay vợt kém 142 bậc, Lý Hoàng Nam dừng bước ở tứ kết Bangkok Open 3
- Lý Hoàng Nam làm nên cột mốc lịch sử mới cho quần vợt Việt Nam
- Thi đấu kiên cường, Lý Hoàng Nam giành ngôi á quân giải Bangkok Open 1
- Lý Hoàng Nam tạo nên địa chấn tại ATP Challenger Tour
- Đánh bại hạt giống số 1, Lý Hoàng Nam làm nên lịch sử cho quần vợt Việt Nam